Kỳ 1: “Chỉ sợ lòng không bền…”
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Long Xuyên nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chỉ tiêu: Đến năm 2020, phấn đấu 100% hộ nghèo đều có nền và nhà ở; TP. Long Xuyên không còn hộ nghèo. Chỉ tiêu đưa ra rất ngắn gọn, nhưng để làm được điều đó thì hoàn toàn không đơn giản chút nào. Thời điểm đó, thành phố có 1.567 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,14%) và 2.787 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,8%).
Trong số đó, không ít người hoàn toàn trắng tay, gia sản của họ chỉ là chuỗi ngày làm thuê. Với xuất phát điểm rất thấp ấy, họ làm gì để thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, nói chi đến chuyện làm giàu? Chưa kể, có người cả đời sống tạm bợ trên đất người khác, hoặc ở trọ trong căn phòng cũ nát, tồi tàn. Chưa “an cư”, thì chắc chắn “lạc nghiệp” là ước mơ xa xôi. Vậy thì, muốn thoát nghèo, trước hết họ phải có mái nhà của riêng mình.
Lễ khởi công xây dựng Khu dân cư Đại đoàn kết Sông Hồng (mở rộng) tại phường Mỹ Hòa
Dù đã rất nỗ lực, nhưng gút mắc này khó giải quyết một sớm một chiều. Quy định cất nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách… đều yêu cầu họ phải có đất ở, hoặc có người cam kết cho họ đất ở ổn định. Nếu không đạt được yêu cầu này, dù có nguồn kinh phí thì chính quyền địa phương, nhà hảo tâm cũng khó xây dựng nhà, dù rất tiếc và mong muốn chia sẻ cho hoàn cảnh khó khăn của họ.
Kỳ tích xuất hiện bằng một ý tưởng nảy sinh vào giữa năm 2016. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Phạm Thành Thái đề xuất chủ trương “sử dụng quỹ đất công để cất nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo không có đất ở”. Đây là cách làm chưa từng có từ trước đến nay, chắc chắn sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn. Không ngờ, ý tưởng nhận được sự đồng thuận cao trong Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Từ chủ trương trên, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; các cấp, ngành, địa phương vào cuộc tích cực. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ địa phương.
Cắt băng khánh thành Khu dân cư Đại đoàn kết phường Mỹ Thới
Kể từ đó, ý tưởng không còn là điều bất khả thi nữa. Mỗi đơn vị, ban ngành đoàn thể, phường, xã đều đóng vai trò nhất định trong thực hiện chủ trương này. Phòng Tài nguyên – Môi trường thành phố chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng của khu đất công dự định xây dựng khu nhà Đại đoàn kết (từ đất trồng lúa, lâu năm khác… sang đất ở). Phòng Quản lý Đô thị thành phố chịu trách nhiệm thiết kế bản vẽ kỹ thuật của các khu nhà. Các phường, xã rà soát quỹ đất công tại địa bàn mình quản lý, hỗ trợ thành phố các công việc có liên quan. UBMTTQVN thành phố giữ vai trò chính, quan trọng nhất. “Chúng tôi chịu trách nhiệm rà soát, xét chọn đối tượng cất nhà; vận động xã hội hóa; giám sát việc thi công xây dựng các khu dân cư, nhắc nhở và đôn đốc đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu… Trách nhiệm rất nặng nề, khiến từng người phải nâng cao tinh thần trách nhiệm tối đa, “chạy” việc liên tục, để làm sao đảm bảo đúng theo tiến độ Thành ủy, UBND thành phố đề ra – bà Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP. Long Xuyên, chia sẻ.
Vạn sự khởi đầu nan. Thuận lợi thì rất nhiều, từ chủ trương nhân văn, cách làm ý nghĩa, đến sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị thành phố và người dân. Nhưng khó khăn chỉ có một: kinh phí. Mỗi khu nhà Đại đoàn kết cần 2 nguồn kinh phí lớn về san lấp mặt bằng và xây dựng căn nhà. Từng đồng chí trong cấp ủy, UBND, các đoàn thể, ban ngành từ thành phố đến phường, xã tập trung vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trình bày cho họ hiểu mục đích cao đẹp của khu dân cư, mong họ đồng thuận góp sức vào cùng địa phương.
Tháng 1-2017, sau hơn 3 tháng thi công, khu nhà Đại đoàn kết đầu tiên mang tên “Khu dân cư Đại đoàn kết Sông Hồng (xã Mỹ Khánh và phường Mỹ Hòa) được hoàn thành, là nỗ lực to lớn của TP. Long Xuyên. Trong đó, xã Mỹ Khánh xây dựng được 31 căn, phường Mỹ Hòa xây dựng 19 căn. Mỗi căn nhà có diện tích từ 36-40m2, gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh. Nhà được lát gạch ceramic, khung bê-tông cốt thép, vách tường, mái lợp tole, hoàn toàn kiên cố, vững chãi, đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng) theo quy định của Bộ Xây dựng. Tổng kinh phí xây dựng khu nhà trên 3,3 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) Phạm Thành Thái gửi tặng phần quà cho các hộ được trao nhà Đại đoàn kết
Thừa thắng xông lên, các khu nhà Đại đoàn kết dành cho hộ nghèo không có đất ở lần lượt xuất hiện ở nhiều phường, xã, trở thành công trình lớn để chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2018). Mỗi nơi lại có cách làm, sáng tạo riêng. Điển hình như câu chuyện của phường Mỹ Thạnh. Kênh Ba Xinh (tổ 18, khóm Đông Thạnh) trước đây dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông và vận chuyển hàng hóa. Theo tập quán, kênh gần nhà ai thì sẽ đặt tên người đó cho dễ nhớ. Sau này, quá trình đô thị hóa làm con kênh không còn lưu thông dòng chảy, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Cử tri khóm Đông Thạnh nhiều lần phản ánh với phường và thành phố. Thành ủy, UBND thành phố cho chủ trương đầu tư kinh phí gần 1 tỷ đồng, dùng để đầu tư hạ tầng (san lấp kênh, làm đường, hệ thống cống). Công ty TNHH Một thành viên Khai thác và Chế biến đá An Giang ủng hộ 300 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” của thành phố hỗ trợ 200 triệu đồng, cùng nhiều cá nhân, tổ chức khác đóng góp. Khu dân cư hoàn thành, vừa giải quyết nhu cầu nhà ở cho 10 hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, vừa giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực.
Tính tới thời điểm này, việc xây dựng các Khu dân cư Đại đoàn kết dành cho hộ nghèo, cận nghèo không có đất ở trên địa bàn TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã dần hoàn tất. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí vẫn là trăn trở không dứt đối với địa phương. Dù các tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ địa phương, nhưng vẫn chưa thật sự đủ theo thực tế. Vừa đủ tiền xây cất khu nhà này, địa phương lại tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ, vận động để xây dựng khu nhà khác. Nhiệm vụ đặt ra cho lãnh đạo thành phố là phải làm sao để tiếp tục huy động tối đa nguồn lực của xã hội, đảm bảo cho mỗi hộ nghèo, cận nghèo đều được an cư. Dẫu khó khăn, vất vả đang chờ phía trước, nhưng họ sẽ không chùn bước. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”!
Kỳ 2: Sự hòa quyện của “ý Đảng”, “lòng dân”
Bài, ảnh: GIA KHÁNH