Những kỳ vọng cho sự phát triển chung của đất nước

08/11/2021 - 06:29

 - Từ ngày 8 đến 13-11, đợt 2 của kỳ họp 2 Quốc hội khóa XV được diễn ra tại Nhà Quốc hội. Nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, ngân sách, giáo dục... được thảo luận, phân tích rất sâu từ đầu kỳ họp, sẽ tiếp tục được đề cập đến trong những ngày này. Thông qua Báo An Giang, nhiều cử tri gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh điểm cầu An Giang

Trong đợt 1 họp trực tuyến (từ ngày 20 đến 30-10), nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới; việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế... Các ĐBQH đã tích cực tham gia ý kiến vào báo cáo công tác của khối tư pháp, nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố. Từ đó, Quốc hội, Chính phủ nắm bắt được kỳ vọng về giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, trở lại nhịp sống bình thường là điều mà cử tri và nhân dân quan tâm.

 Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai bày tỏ lo lắng khi đại dịch COVID-19 kéo dài 2 năm qua, khiến đời sống người lao động, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhìn chung cực kỳ khó khăn. Do đó, phải nhanh chóng cứu lấy họ, càng sớm càng tốt. Chính sách đã có, vấn đề là tốc độ triển khai chưa đáp ứng kỳ vọng của mọi người. “Càng làm sớm bao nhiêu, càng hỗ trợ được nhiều người, nhiều đơn vị bấy nhiêu. Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP hết sức đúng đắn và kịp thời.

Tuy nhiên, nghị quyết hiệu quả đến đâu, phụ thuộc rất lớn vào việc bao phủ vaccine. Bao phủ vaccine nhanh hay không, còn liên quan đến kinh phí, cơ chế mua sắm, đàm phán chọn thầu… Những vấn đề này, Quốc hội, Chính phủ đã nắm rất rõ; ý kiến của cử tri, phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đề cập. Tôi mong muốn, khi Trung ương đã nắm, biết thì cần có giải pháp triển khai nhanh nhất” - ông Thành chia sẻ.

Với góc độ giáo viên hưu, bà Trần Thị Trong (sinh năm 1947, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) theo dõi sát thông tin trên báo chí về kỳ họp, để hóa giải nỗi băn khoăn ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bà Trong đề nghị: “Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đối tượng học sinh, khi việc học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Sự tiếp thu của các em phần nào bị gián đoạn, phụ thuộc vào chất lượng Internet, trong khi giáo viên bỏ ra rất nhiều công sức trong quá trình giảng dạy. Tôi mong rằng, việc tổ chức học trực tuyến phải giúp các em theo kịp chương trình, đặc biệt là cấp tiểu học. Phương án tối ưu hiện tại là tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các em, để các em được trở lại trường học như trước, được học tập chất lượng hơn”.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân Hồ Văn Thắng (ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) trăn trở: “Vụ thu đông năm nay, chúng tôi gặp khó khăn rất lớn về vật tư nông nghiệp. Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đội giá lên gấp đôi so với vụ hè thu trước đó. Trong khi đầu ra, chúng tôi chỉ bán được 5.000 - 5.100 đồng/kg nếp. Nông dân làm xong vụ mùa thì chỉ cầu mong đừng lỗ, chứ không dám nghĩ đến lợi nhuận. Khi vận chuyển nông sản, vùng nào có dịch bệnh sẽ gặp khó khăn hơn. Từ thực tế trên, tôi rất mong Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất Trung ương có biện pháp giảm giá thành phân bón; tăng giá lúa, nếp lên, tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái mua nông sản, không bị ép giá, để bà con nông dân được nhờ”.

Trung tá Phạm Văn Giang, Phó Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (Công an tỉnh), Quốc hội đã làm việc một cách tận tụy với nhiệm vụ được giao, thích ứng tốt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tổ chức kỳ họp bằng nhiều cách, đáp ứng kịp thời tình hình đất nước, xã hội. Đặc biệt, sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động, sự vận động của xã hội, tình hình mới của đất nước có nhiều biến chuyển, nên việc nâng cấp thành luật là phù hợp.

“Bản thân tôi thống nhất cao với dự án luật. Được biết, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thống nhất cao với dự án này. Cảnh sát Cơ động là lực lượng tuyến đầu, xuất hiện ở mọi điểm nóng, đảm bảo an ninh trật tự khu vực. Tôi rất mừng vì đồng chí, đồng đội mình trong thời gian tới sẽ có thêm cơ chế, hành lang pháp lý bảo vệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Khi được Quốc hội thông qua, Luật sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, quyền con người theo Hiến pháp và luật pháp quốc tế. Bản thân họ yên tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ, biết đâu là giới hạn, thẩm quyền được phép”.

Đợt 2 của kỳ họp sẽ thu hút sự quan tâm rất lớn từ cử tri và nhân dân, đặc biệt hoạt động chất vấn trong 2,5 ngày (từ ngày 10 đến hết sáng 12-11), được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 4 thành viên Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn. Mong rằng, sau kỳ họp, những băn khoăn, trăn trở sẽ được tháo gỡ nhanh chóng, mở ra giai đoạn bình thường mới cho đất nước.

GIA KHÁNH