Những lá thư của Bác Tôn

20/08/2021 - 06:53

 - Một lần, tôi được tham dự triển lãm “Bác Tôn - Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư”, được tiếp cận một số lá thư viết tay của Bác Tôn gửi con cháu trong gia đình, khi đất nước còn bị chia cắt và chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Những lá thư rất tình cảm, xúc động, mang đầy tính giáo dục, được lưu giữ cẩn thận đến hôm nay, chan chứa tấm lòng một người con, người chồng, người cha, người ông.

“Xin mẹ hiểu lòng con”

Nhà văn Mai Văn Tạo kể lại: “Năm 1952, tôi được cử làm công tác quân báo vùng Chợ Mới. Anh Ba Hinh (Bí thư) và anh Bảy Tôn (Phó Bí thư huyện) trao cho tôi một lá thư của Bác Tôn từ Chiến khu Việt Bắc gửi về cho mẹ. Lá thư viết trên tờ giấy xếp đôi, góc trái dán kèm bức ảnh 4x3 của Bác. Nét chữ mực xanh còn khỏe khoắn, mặc dù trong ảnh thấy Bác mặc áo đen, vai gầy, má tóp.

Anh Ba Hinh bảo tôi tìm cách chuyển cho được lá thư về tận gia đình của Bác ở Mỹ Hòa Hưng. Bởi vì đây là thư của người con rất đỗi yêu thương cha mẹ. Người con ấy là Bác Tôn, tuổi cũng xấp xỉ 60 rồi. Anh Hinh còn nói: “Chú ráng làm thật tốt công tác này. Vì không phải là thư bình thường, mà là thư của một con người cách mạng chí trung với nước, chí hiếu với mẹ cha”.

Những lá thư Bác Tôn gửi cho con, cháu

Nhà văn Mai Văn Tạo chép lại nguyên văn và bố trí đường dây bí mật chuyển cho được lá thư gốc về với gia đình Bác. Hồi ấy, Mỹ Hòa Hưng thuộc vùng địch chiếm. Người chuyển thư phải học thuộc lòng nội dung thư của Bác, phòng khi rơi mất cũng nói được đầy đủ ý trong thư, và chính nhà văn cũng phải học thuộc lòng 2 trang thư của Bác.

Thư Bác viết: “Kính thưa mẹ! Từ nơi xa con kính gửi thư này về thăm mẹ. Con rất đỗi buồn lo không biết mẹ còn sống với con cháu không? Mẹ đã luống tuổi rồi. Chẳng may mẹ có bề nào mà chẳng được thấy mặt con, và con không thọ được tang cho phải đạo làm con, thì đau đớn biết nhường nào. Giặc còn giày xéo quê hương, con bận lo việc nước chưa tròn, chữ trung chưa trọn, chữ hiếu cũng chưa xong. Xin mẹ hiểu lòng con, tha lỗi cho con. Ngày đêm con mong sớm đến ngày độc lập, được sớm về quỳ bên chân mẹ, để nhận hết cái lỗi phải xa cha mẹ từ ngày con biết tự bước lên đường đời...”.

Tấm lòng người chồng, người cha, người ông

Những lá thư Bác gửi cho vợ đã thất lạc. Nhưng có một câu chuyện ông Lê Hữu Lập (Thư ký của Bác Tôn) ghi lại lời kể của Bác về mối lương duyên của vợ chồng Bác, có đoạn: “Năm 1930, tôi bị chúng đày ra Côn Đảo với án tù 20 năm khổ sai. Sống trong tù tôi thấy ngày dài lê thê. Nghĩ mình đã khổ vậy không nên để cho người vợ khổ theo. Vì vậy, tôi có viết thư gửi vợ khuyên vợ đi lấy chồng khác. Ít lâu sau tôi nhận được thư của vợ.

Thư rằng: “Anh Tôn Đức Thắng thân mến, xin báo để anh biết tôi đã đi lấy chồng, chồng tôi là Tôn Đức Thắng người Long Xuyên. Chúng tôi  ăn ở với nhau đã có 3 mụn con (1 trai, 2 gái), đứa con trai chẳng may sớm qua đời. Tôi sẽ trọn đời sống cùng chồng tôi mặc dù anh ấy đang phải tù đày nơi hải đảo xa xôi”. Đọc xong thư tôi sung sướng đến nỗi cứ áp chặt bức thư vào ngực mình”.

Những lá thư Bác Tôn gửi cho con, cháu

Bà Tôn Tuyết Dung (con nuôi của Bác Tôn) nhớ mãi câu nói của Bác: “Bây giờ ba khai lý lịch con là con của ba, con phải lấy họ của ba. Bao giờ con về Nam, con muốn lấy lại họ gia đình con thì con cứ lấy, không sao hết”. Trong một lá thư, Bác nhắc lại: “Thư này cũng để nói cho Dung biết một lần nữa là Dung là con thân yêu của ba. Cho đến khi nào Dung không muốn như thế nữa mới thôi, nếu không như thế là đến chết mới thôi. Vì Dung cũng như ba đây, đã có lòng yêu nước yêu người, từ khi biết mình đang sống, đều bị xiêu bạt ở nơi xa lạ cô đơn. Nguồn gốc của tình ruột thịt là từ đó. Là tình ruột thịt, thì không nên có sự băn khoăn nghi kỵ nào!”.

Bà Tưởng Bích Vân (cháu ngoại Bác Tôn) chia sẻ: “Trong bối cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt ở miền Bắc, 3 chị em chúng tôi (Vân, Nam, Hà) phải đi sơ tán. Ông đã gửi thư, dạy chúng tôi rèn luyện tính tự lập trong cuộc sống dù bất cứ hoàn cảnh nào”. Ngày 18-2-1966, vị Chủ tịch nước gửi thư dặn dò các cháu mình đơn giản mà sâu sắc: “Các cháu cần lao động tốt, lao động là luyện tập cho thân thể khỏe mạnh, đồng thời cho được dẻo dai, lanh lẹ, thông thạo trong sản xuất. Sản xuất tốt giúp tăng sự dinh dưỡng cho bản thân, tăng sức cung cấp của nhà nước cho tiền tuyến chống Mỹ cứu nước”.

Năm 1972, cháu Nguyễn Thanh Bình (con trai thứ của bà Tôn Thị Ngọc Quang, con nuôi của Bác) tròn 17 tuổi, xung phong vào bộ đội. Ngày 30-5-1972, Bác Tôn gửi lá thư: “Cháu Bình thân mến… Ông cũng biết rằng đường của cháu đi bằng chân xa hơn 100 cây số, từ lúc ra đi đến lúc tới nơi. Trong quá trình đó thiếu nước uống, cơm ăn, con người cháu hầu như lõa liệt, nhưng cháu vẫn cố gắng lê lết đến tận nơi. Đó là 1 cuộc rèn luyện của quân đội, chắc thế! Chứ tại sao không đựng nước trong bidon, không cơm vắt mang theo? Thế mà đến nơi cháu lại vui cười, thích thú… Đó là cháu đã nâng cao tinh thần chiến sĩ kiên cường bất khuất. Ông ước mong cháu sẽ luôn luôn khỏe mạnh, bền bỉ tiếp tục thực hiện chí khí quang vinh đó cho đến bước cuối cùng của con đường mà cháu đã bắt đầu!”.

Đối với Đảng, nhà nước và nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn là tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách. Còn đối với gia đình, ở cương vị của một người con, người chồng, người cha và người ông, Bác Tôn luôn dành những tình cảm yêu thương, quan tâm sâu sắc. Từ trong những lá thư đã hàm chứa lời nhắn gửi tình cảm, hun đúc yêu thương dành cho con cháu trong gia đình, giáo dục tính tự lập, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH