Bánh chưng
Nhắc đến ẩm thực ngày Tết, bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống không thể không gọi tên. Chiếc bánh chưng vuông vức, được gói bằng là dong hoặc lá chuối với nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, nhân đậu xanh kèm với thịt mỡ ướp tiêu trở thành “linh hồn” của bữa cơm ngày Tết.
Bánh thường được luộc qua đêm, sau khi chín có màu xanh mướt bắt mắt. Khi ăn, vị gạo quyện lẫn với đậu xanh và thịt mỡ tạo nên mùi vị hài hòa, thơm ngậy, đậm đà. Đồng thời chiếc bánh chưng vuông, màu xanh là biểu tượng cho trái đất – âm, nó không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống mà còn thể hiện tấm lòng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Canh măng khô
Mâm cơm truyền thống ngày Tết của người Việt, canh măng khô là món ăn không thể thiếu. Không chỉ là món ngon, măng còn là thực phẩm tốt cho tiêu hóa bởi chứa hàm lượng chất xơ lớn. Đặc biệt trong những ngày Tết nhiều món ăn dầu mỡ, canh măng có tác dụng chống ngán, không lo dầu mỡ.
Măng khô nấu canh thường là loại măng nứa hoặc măng mai, măng lưỡi lợn. Song ngon nhất và được nhiều gia đình sử dụng nhất là măng nứa khô. Canh măng khô có thể kết hợp cùng sườn lợn, móng giò để tăng thêm hương vị. Thưởng thức tô canh nóng trong ngày Tết, cảm giác ấm bụng vô cùng.
Nem rán
Nem rán là một món ăn ngày Tết truyền thống dễ chế biến và gần như không thể thiếu trong mâm cơm gia đình. Nguyên liệu chính làm nem bao gồm: thịt lợn nạc (ngon nhất là nạc dăm) băm nhỏ, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, giá sống (hay củ đậu), trứng, hạt tiêu, có thể thêm thịt cua bể hay tôm nõn băm nhỏ… Trộn đều nhân và nêm nếm gia vị vừa ăn rồi dùng bánh đa nem cuốn tròn lại rồi cho chảo ngập dầu. Nên chọn bánh đa nem mỏng và dai, bởi như vậy khi rán nem sẽ ngon hơn, vỏ giòn và không bị vỡ.
Giò nạc, giò thủ
Với mỗi người Việt, mâm cỗ ngày Tết giò luôn là món ăn không thể thiếu. Giò gồm thịt heo được giã trong cối đá cho thật nhuyễn, thêm chút mắm ngon sau đó gói bằng là chuối theo dạng hình ống, buộc lạt giang rồi mang đi hấp chín.
Giò thái theo khoanh, từng miếng trắng mịn bày lên đĩa trông đẹp mắt. Khi ăn thịt ngọt thêm mắm nêm làm tăng hương vị cho món ăn. Ngoài giò nạc, ngày nay nhiều gia đình chọn thịt bò say nhuyễn làm giò hay còn gọi là giò bò để thay đổi khẩu vị.
Bên cạnh giò nạc, giò thủ cũng được yêu chuộng. Nguyên liệu chính của giò thủ là thịt đầu heo, tai heo thái nhỏ trộn cùng mộc nhĩ. Các nguyên liệu được trộn lẫn, nêm nếm gia vị nước mắm, hạt tiêu rồi xào cho đến khi chín. Sau đó nhân chín được đổ vào khuôn hình trụ và bọc lại bằng lá chuối tươi rồi mang đi làm lạnh trong ngăn mát. Giò để qua đêm là đông lại và có thể dùng ngay. Khi ăn thịt tai giòn giòn thêm vị tiêu hơi cay, thơm tạo nên món ngon hấp dẫn ngày Tết.
Miến
Miến là được làm từ gạo tẻ, song không giống phở, miến sợi nhỏ hơn và không dai bằng. Bên cạnh miến gạo thông thường, ngày Tết nhiều gia đình còn sử dụng miến dong – miến được làm từ củ dong, có màu xanh nhạt và trong.
Miến được chế biến rất nhanh và đơn giản. Thường sau khi luộc gà, nước luộc được dùng để nấu miến tăng thêm độ ngậy, đậm đà. Lòng, mề gà được sử dụng để làm nguyên liệu tăng thêm hương vị cho món ăn. Sau khi miến chín tới thêm chút hành lá là bạn có ngay món ăn tuyệt vời.
Gà luộc
Gà luộc là một món ăn ngày Tết truyền thống từ bao đời nay trong mâm cỗ của mỗi gia đình Việt Nam. Thịt gà mềm, ngọt chấm mắm tiêu chanh là ngon đúng điệu.
Về mặt dinh dưỡng, món ăn này giúp bổ sung các dưỡng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, với tính ôn hòa, thịt gà giúp bồi bổ sức khỏe và phòng ngừa các bệnh như: phổi, băng huyết, ung nhọt.... Còn về giá trị văn hóa tinh thần, gà luộc vàng óng mang ý nghĩa “khởi đầu suôn sẻ, vàng óng lộc tài”.
Xôi và cơm nếp
Cũng giống như bánh chưng hay bánh tét, mâm cơm ngày Tết không thể thiếu xôi và cơm nếp. Món ăn này không khó nấu, nguyên liệu cũng đơn giản. Bạn cần chuẩn bị gạo nếp ngon, đỗ xanh thêm nước cốt dừa để món ăn thêm thơm ngậy. Khi thưởng thức, miếng xôi chín mềm, ráo nước và có mùi thơm hấp dẫn là đúng chuẩn.
Ẩm thực Việt Nam luôn rất đa dạng, mỗi vùng miền có món ngon riêng. Song những món ăn ngày Tết kể trên là một phần không thể thiếu trong bất cứ mâm cơm gia đình nào. Không chỉ hương vị, nó còn mang ý nghĩa may mắn, cầu bình an, hạnh phúc cho năm mới sang.
Theo Petrotimes.vn