Những năm Dần gắn với mốc lịch sử trọng đại

01/02/2022 - 06:59

 - Trong tiến trình lịch sử, dân tộc Việt Nam đã trường kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành nền tự chủ và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước nhà. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, đã có những “mốc son” quan trọng, trong đó có nhiều năm Dần ghi dấu sự kiện trọng đại.

Năm Nhâm Dần (42 sau Công nguyên):  Nhà Hán (Trung Quốc) cử Mã Viện chỉ đạo cánh quân xâm lược đánh Trưng Nữ Vương. Chúng tấn công quân ta ở Hợp Phố, nhân dân Hợp Phố đã anh dũng chống trả nhưng thất bại.

Năm Bính Dần (906):  Khúc Thừa Dụ đứng ra lãnh đạo nhân dân nổi dậy trước ách đô hộ của nhà Đường (Trung Quốc), trước hành động quyết liệt của nhân dân Giao Châu, bọn đô hộ nhà Đường buộc phải phong chức “Ðồng Bình Chương Sự ” cho Tiết Ðộ Sứ Giao Châu là Khúc Thừa Dụ, nắm toàn quyền kiểm soát trấn Tĩnh Hải (An Nam đô hộ phủ). Khúc Thừa Dụ thiết lập một chính quyền tự chủ do ông đứng đầu, thay cho chính quyền đô hộ nhà Đường, đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc.

Năm Bính Dần (966):  Khi vị vua cuối cùng của triều Ngô mất, thừa lúc đất nước không chủ, hào trưởng khắp nơi nổi dậy, mỗi nơi chiếm giữ cát cứ một vùng đất riêng, lập ra 12 sứ quân. Cũng từ đây, xuất hiện một bậc hào kiệt thao lược có chí lớn Đinh Bộ Lĩnh – người đã lần lượt dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc “nội loạn”, thu non sông về một mối.

Năm Mậu Dần (1698):  Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam. Người Việt tại Ngũ Quảng theo chân đoàn quân Nam tiến khai phá đất đai.  Vùng đất mới ở phương Nam vừa khai khẩn được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập Phủ Gia Định. Tên “Gia Định” được đặt với hàm ý vùng đất đã được sắp xếp an ổn, vững vàng.

Năm Nhâm Dần (1782):  Khởi nghĩa Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ phát động từ năm 1771 đã lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân tấn công vào quân đội chính quyền chúa Nguyễn ở miền Nam, giành thế chủ động, giải phóng hầu hết Đàng Trong. Chúa Nguyễn Ánh đại bại, chạy trốn và cầu viện quân Xiêm.

Năm Mậu Dần (1818):  Trấn thủ Trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại đã huy động quân – dân đào kênh nối từ rạch Đông Xuyên (sông Long Xuyên ngày nay) ở Tam Khê (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) nối liền với ngọn Giá Khê ở Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Kênh đào xong, Nguyễn Văn Thoại được vua Gia Long khen ngợi và cho phép đặt tên con kênh mới đào là kênh Thoại Hà. Dòng kênh giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa, giúp người dân lưu thông thuận tiện giữa vùng Long Xuyên - Rạch Giá.

Năm Canh Dần (1890):  Tại huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), một gia đình nhà nho trí thức yêu nước đã sinh ra cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này lấy tên là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Năm Mậu Dần (1938):  Trước những biến động mới của tình hình thế giới, nhất là ở Pháp và Đông Dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức hội nghị toàn thể vào ngày 29 và 30-3-1938 tại Gia Ðịnh. Căn cứ vào tình hình và những ưu, khuyết điểm trên các mặt công tác của Đảng, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương và coi đó là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn lúc bấy giờ.

Năm Canh Dần (1950):  Chiến dịch Biên giới Thu Đông thắng lợi. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào hệ thống phòng ngự của quân Pháp trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới, từ TX. Cao Bằng đến thị trấn Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) - một địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo nên thế trận mới vững chắc, làm phá sản âm mưu “khóa chặt biên giới  Việt - Trung” và chọc thủng “Hành lang đông - tây” của thực dân Pháp.

Năm Bính Dần (1986):  Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện đất nước. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm khuyết điểm, đại hội đề ra đường lối đổi mới, đó là:  Đổi mới cơ cấu kinh tế; thực hiện 3 chương trình kinh tế (chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu); xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.

P.V