Những ngày Tết đủ đầy

01/02/2025 - 08:17

Báo cáo nhanh tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Bộ Tài chính cho biết, ngày 30/1 (mồng 2 Tết), tình hình cung cầu thị trường vẫn không có diễn biến bất thường về giá. Giá cả thị trường nhìn chung tương đối ổn định so với ngày mồng 1 Tết.

Hàng hóa dịp Tết khá dồi dào, bảo đảm cho nhu cầu của người dân.

Hàng hóa dịp Tết khá dồi dào, bảo đảm cho nhu cầu của người dân.

Ngày mồng 3 tháng Giêng, sức mua cũng như nguồn hàng đã dồi dào hơn. Tại các địa phương, nhiều siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra sôi động hơn so với ngày mồng 2 Tết. Trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết.

Trong ngày mồng 2 Tết, nhiều chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại vẫn đóng cửa nghỉ Tết. Tuy nhiên, ngoài một số siêu thị cửa hàng phục vụ xuyên Tết như Aeon Mall, Gigamall, tới mồng 2 Tết, đã có thêm một số hệ thống chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, BigC và Go! đã mở cửa khai xuân đón khách trở lại.

Với thời gian hoạt động từ 8-22h, hệ thống này đã phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu của người dân, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, giúp người dân có thể dễ dàng mua sắm trong những ngày đầu năm mới. Một số chợ dân sinh nhỏ lẻ cũng đã mở hàng lấy ngày đầu năm chủ yếu bán các loại hoa tươi, rau xanh, gia vị, củ, quả...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh một số hệ thống cửa hàng tiện lợi như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết vẫn mở cửa phục vụ 24/24, mồng 2 Tết, có thêm một số siêu thị như Co.op mart, Satra… hoạt động trở lại nhưng thời gian hoạt động ngắn hơn so với ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Tại thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ... một số siêu thị và cửa hàng đã mở cửa hoạt động trở lại. Trong ngày đầu năm mới, người dân chủ yếu đi chúc Tết, đi chơi và đi lễ đầu năm tại các đền, chùa. Giá trông giữ xe máy cơ bản không thay đổi so với ngày thường là 5.000 đồng, cá biệt một số đền, chùa nhỏ có những điểm trông xe tự phát mức giá là 10.000-20.000 đồng/xe tuy không nhiều.

Tại Hà Nội, nhìn chung giá cả ổn định không có biến động bất thường. Khảo sát giá tại một số chợ dân sinh cho thấy, tuy hầu như các cửa hàng, chợ đều đóng cửa ngày mồng 2 Tết nhưng vẫn có một số tiểu thương bán hoa tươi, rau xanh hoặc thịt cá tươi sống mở cửa hàng lấy ngày đầu năm.

Nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng nên giá cả ổn định. Giá cà chua 10.000-12.000 đồng/ kg, khoai tây 15.000-20.000 đồng/kg, súp lơ xanh 12.000- 15.000 đồng/cây, súp lơ trắng 10.000-11.000 đồng/cây, bắp cải 10.000-15.000 đồng/cây, su hào: 5.000 đồng/củ, xà-lách: 15.000-30.000 đồng/kg...

Tuy nhiên, giá một số loại trái cây ngon, được ưa chuộng để đi lễ chùa có xu hướng tăng nhẹ cục bộ tại một số khu vực do nhu cầu lễ hội đầu năm nhưng không phát sinh giao dịch mua bán nhiều.

Tại Đà Nẵng, các chợ vẫn còn đóng cửa, chỉ có một số người bán hàng lẻ tẻ ở phía ngoài chợ, tập trung chủ yếu một số mặt hàng thịt heo và các loại rau xanh, củ, quả; lượng người mua rải rác. Giá thịt heo giảm khoảng 6% so với ngày 28/1; giá các sản phẩm rau, củ, quả tăng nhẹ.

Tại Cần Thơ, một số quầy sạp, các cửa hàng bên ngoài các nhà lồng chợ vẫn hoạt động kinh doanh, phục vụ nhu cầu mua bán các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như: Bia, nước ngọt, bánh, mứt, trái cây,… phục vụ quà biếu ngày Tết của người dân. Sáng mồng 2 Tết, siêu thị Go! Cần Thơ và siêu thị Lotte mở cửa đón khách trở lại.

Ngoài ra, một số cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các điểm bán giỏ quà Tết vẫn hoạt động bình thường, nguồn hàng vẫn rất dồi dào, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân.

Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động bình thường theo thời gian đăng ký với Sở Công thương, bảo đảm nguồn cung ứng nhiên liệu trong thời điểm Tết.

Riêng các đơn vị kinh doanh vận tải có thực hiện kê khai tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều để thực hiện tốt công tác giải tỏa hành khách nhằm phục tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025 với mức tăng tối đa 40% tùy theo từng tuyến.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường hàng hóa dịp trước Tết khá sôi động. Hàng hóa được cung ứng và tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng thực phẩm như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, trái cây... và các nhóm hàng phục vụ trưng bày như hoa, cây cảnh, đồ trang trí. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, mẫu mã, chủng loại đa dạng, giá không có biến động bất thường.

Từ ngày 26 tháng Chạp (bắt đầu kỳ nghỉ Tết sớm), thị trường sôi động hơn khá nhiều so với tuần trước đó, nhu cầu mua sắm hàng thực phẩm công nghiệp như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát... tăng cao. Đối với hàng thực phẩm tươi sống, nhu cầu tăng cao nhất trong 2 ngày 28 và 29 Tết. So với cùng kỳ năm trước, sức mua năm nay tăng.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng được chuẩn bị tăng lên 20-30% so với ngày thường. Lượng hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định cùng với nhiều chương trình khuyến mãi được áp dụng. Tại siêu thị, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn được nhiều người lựa chọn do giá cả hợp lý, mẫu mã khá đa dạng.

Tại chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng vài ngày cận Tết cũng tăng mạnh so với ngày thường nhưng giá hàng hóa không có biến động bất thường. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ước tăng khoảng 10% so với tháng thường và tăng so với Tết năm trước. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn.

Trong ngày mồng 1 Tết, tuy hầu hết các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đều đóng cửa nghỉ Tết nhưng riêng Trung tâm thương mại Aeon Mall, Gigamall vẫn mở cửa phục vụ người dân thành phố, thời gian phục vụ từ 10-22 giờ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết sạp tại các chợ đầu mối và chợ lẻ đều nghỉ Tết, chỉ có một số ít tiểu thương mở cửa bán lấy ngày, và chủ yếu là rau củ quả, trái cây; lượng khách đến chợ rất thấp... Mồng 1 Tết phát sinh rất ít giao dịch mua bán.

Có thể đánh giá thị trường Tết năm nay đã thực sự đi vào hình thái mới: Hình thái tiết kiệm, mua đủ dùng, bán đủ hàng, giảm đáng kể tình trạng khan hàng, sốt giá. Thêm vào đó, tại các thành phố lớn, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.

Ngày mồng 3 tháng Giêng đã có thêm nhiều siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa phục vụ đón khách trở lại như: BRG Mart, Co.opmart, Co.opXtra, BigC và Go!...

Bộ Tài chính cũng dự báo: Từ mồng 3 tháng Giêng, như mọi năm, thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là hàng thiết yếu, hàng hóa có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa...

Theo SÔNG TRÀ (Nhân dân)