Những nghề muôn năm cũ

17/10/2018 - 07:38

 - “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?’’. Xin mượn 2 câu kết trong bài thơ “Ông đồ” để nhắc nhớ về những nghề một thời vốn rất đỗi hoàng kim nhưng dần trở thành hoài niệm. Tuy không còn “tân thời” nhưng những công việc ấy lại không thể thiếu, nếu không muốn nói là “không hề cũ”, đó là dấu ấn để nhắc nhớ trong xã hội hiện đại muôn màu, muôn vẻ.

Nghề tráng rọi phim ảnh  

Khoảng hơn chục năm trước là thời “hoàng kim” của nghề tráng, rọi phim ảnh. Chỉ đếm sơ sơ ở TP. Long Xuyên có hơn chục Lab ảnh, trong đó có những tên tuổi giữ nghề “cha truyền, con nối”. Người làm không hết việc, máy chạy hết công suất vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu tráng, rọi phim ảnh cho khách hàng. Thậm chí, nhiều chỗ làm việc tới khuya mới đóng cửa, còn dịp Tết thì hoạt động suốt đêm.

Rất ít người còn gắn bó với máy ảnh chụp phim. Ảnh: Công đoạn kiểm tra và chọn phim trước khi rọi ảnh. (H.HUYNH)

Phóng viên chúng tôi và thợ ảnh thời đó hầu hết đều sử dụng máy ảnh cơ (chụp phim). Trong ba lô lúc nào cũng “thủ sẵn” 2-3 cuộn phim, thông dụng nhất là loại phim Fuji, Konica… Chụp ảnh bằng máy phim không quá khó, nhưng để có bức ảnh đẹp đòi hỏi phải học hỏi công phu. Người chụp phải lấy nét bằng tay, đo sáng bằng mắt, sau khi chụp không thể xem lại ngay lập tức mà phải mang đi tráng. Công đoạn tráng, rọi ảnh, chỉ cần sai sót một chút về thuốc tráng có thể sẽ mất cả cuộn phim… Để có được bức ảnh sau mỗi chuyến công tác, phóng viên phải mang phim ra cắt, tráng xem rồi chọn những tấm ưng ý nhất để rọi ảnh. Thế nên, có khi đi công tác cả đêm mang ảnh về rọi, chỉ cần nhân vật quan trọng trong ảnh “mắt nhắm, mắt mở” thì coi như công sức “đổ sông, đổ biển”.

Ở TP. Long Xuyên hiện còn rất ít thợ sửa đồng hồ bám trụ nghề. (H.HUYNH)

Công nghệ hiện đại kéo theo sự ra đời những dòng máy ảnh kỹ thuật số chất lượng cao. Đội ngũ phóng viên và những người làm nghề chụp ảnh chuyển sang sử dụng máy số. Bởi, máy số dễ chụp, không lo “hết phim” (do sử dụng thẻ nhớ), xem ảnh được ngay, có thể điều chỉnh cho vừa ý, gửi ảnh về tòa soạn ngay mà không cần tốn nhiều thời gian di chuyển, tráng, rọi phim… Chính sự tiện lợi của máy ảnh kỹ thuật số, cùng với sự ra đời của điện thoại thông minh (Smartphone) có Camera với độ nét cực chuẩn, nên số lượng người đến các Lab tráng, rọi ảnh giảm hẳn so với trước. Thậm chí, đám cưới ngày nay người ta chụp ảnh cũng chỉ để lưu Album điện tử (chép đĩa, USB, lưu máy tính…), chỉ rọi vài tấm tượng trưng, chứ không in hàng trăm tấm ảnh chuyền tay nhau xem như trước. Cho nên, nhiều Lab ảnh “tên tuổi” hiện nay bắt đầu thu gọn phòng Lab, mở thêm ngành nghề: cho thuê áo cưới, trang điểm… cho phù hợp thị hiếu. Một chủ Lab ảnh nổi tiếng ở TP. Long Xuyên chia sẻ: “Bây giờ, người ta sử dụng toàn máy số, cái gì cũng lưu trữ về xem trên máy tính, ti-vi nên mình phải chuyển sang làm thêm một số dịch vụ phụ trợ. Nếu để mặt bằng quá lớn như vậy rất tốn chi phí và không còn phù hợp. Thậm chí, nhiều thợ ảnh gắn bó với máy cơ cũng chỉ để thỏa niềm đam mê hoặc để chụp ảnh nghệ thuật!”.

Nghề may quần áo

Lặng lẽ bên phiên chợ là không gian nhỏ hẹp của những người làm nghề sửa quần áo. Không cầu kỳ, bon chen giữa phố chợ ồn ào, những người thợ may chỉ cần khoảng không gian nhỏ hẹp chừng 2-3m2 để hành nghề. May vá là công việc “nữ công gia chánh” mà trước đây hầu như cô gái nào trước khi về nhà chồng cũng phải biết. Và nghề may một thời rất đổi “hoàng kim”.

Theo xu thế phát triển, thời trang biến đổi không ngừng cùng với nhiều kiểu mốt mới lạ, sành điệu, nên hiện nay phần đông người ta mua quần áo các thương hiệu để mặc. Trừ một số tiệm chuyên may trang phục còn trụ lại với nghề nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần đông thợ may dần chuyển nghề, người trẻ xin vào các xưởng may, người lớn tuổi chuyển sang nghề sửa quần áo để kiếm sống.

Một thời, hớt tóc tông-đơ là “mốt” của dân thành phố. (H.HUYNH)

Từ lâu, đường Trần Bình Trọng (phường Mỹ Xuyên) được biết đến là nơi có nhiều điểm sửa quần áo uy tín ở Long Xuyên. Khách hàng mua áo, quần về mặc chưa vừa ý, chỉ cần mang ra đây chỉnh sửa là mặc đẹp. Chị Trang (thợ sửa quần áo có thâm niên) cho biết: công việc sửa đồ không chỉ là vắt sổ, lên lai, may vá chút ít mà nhiều khi phải sửa cả món đồ. Vì vậy, đòi hỏi phải là thợ lành nghề mới làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".

Cũng như cái nghề khiêm tốn, giá sửa quần áo cũng rất bình dân. Cắt ống quần vắt sổ, lên lai chỉ tốn 15.000 đồng, bóp lưng quần/áo 20.000 đồng, thay dây kéo 20.000 đồng, sửa áo size lớn thành size nhỏ chỉ 30.000 đồng. “Cao điểm nhất là mùa tựu trường và giáp Tết, nhu cầu sửa đồ rất đông nên mình phải thức khuya, dậy sớm. May vá như làm dâu trăm họ, lâu lâu gặp người khó tính, lỡ sửa không vừa ý phải đền cả món đồ mấy trăm ngàn đồng. Nên nghề nào cũng vậy, đòi hỏi phải cẩn thận thì mới không bị mất mối và làm vừa ý khách”- chị Trang cho biết.

Mặc cho phố chợ ồn ào, đông đúc người qua lại, người thợ may vẫn lặng lẽ, miệt mài từng đường kim, mũi chỉ làm đẹp cho đời.

Khoảng chục năm trước, nghề sửa đồng hồ, hớt tóc tông-đơ… rất “ăn nên làm ra”. Từ khi xuất hiện dịch vụ hớt tóc máy lạnh, hiếm ai lui tới những tiệm hớt tóc vỉa hè, nhất là lứa tuổi thanh niên. Còn công việc sửa đồng hồ cũng hiếm người theo học, ở TP. Long Xuyên chỉ còn vài người “bám nghề”

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH