Gần đây tôi thấy có nhiều trường hợp phát hiện ung thư lưỡi, ung thư khoang miệng, chỉ qua những dấu hiệu hay gặp như vết gồ, u trên lưỡi, niêm mạc miệng... Tôi muốn hỏi những ai có nguy cơ cao mắc ung thư khoang miệng, làm sao để phát hiện sớm được bệnh? (Quỳnh Trang, Hà Nội).
Bác sĩ Hoàng Đào Chinh, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tư vấn:
Ung thư khoang miệng là một tổn thương ác tính xuất hiện tại vùng khoang miệng bao gồm: lưỡi, lợi hàm dưới, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên, khẩu cái và môi. Trong đó, ung thư lưỡi hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 40%.
Phát hiện sớm ung thư khoang miệng có thể thực hiện dễ dàng qua quan sát và sờ nắn trực tiếp tổn thương nghi ngờ. Khi phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật.
Nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư khoang miệng đã được công bố: thuốc lá, rượu bia, kích thích cơ học (răng có bờ sắc cạnh, răng giả chất lượng kém…), kích thích hóa học (chất cay, thực phẩm có hàm lượng muối cao…), tổn thương niêm mạc do nhiễm trùng (viêm quanh răng, viêm xoang hàm), nhiễm virus (các virus viêm gan, HPV…), tuổi. Trong những yếu tố này, thuốc lá và rượu bia là hai yếu tố có mối liên quan phổ biến nhất với ung thư khoang miệng.
Để chẩn đoán ung thư khoang miệng sớm từ những người có yếu tố nguy cơ cao với thói quen hút thuốc và uống rượu, trước tiên bạn phải thường xuyên tự khám miệng để kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu sớm của ung thư khoang miệng.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã tổng kết 8 dấu hiệu khách quan và chủ quan để tầm soát tổn thương niêm mạc khoang miệng như sau:
- Hạt cơm màu trắng, thường xuất hiện tại lợi hàm hoặc niêm mạc má.
- Chấm trắng xuất hiện trên nền niêm mạc bình thường với bề mặt gồ ghề và bờ viền không đều.
- Tổn thương niêm mạc gây ra bởi răng giả hoặc bờ răng sắc nhọn, không lành sau 2 tuần.
- Tổn thương dạng cục cứng dưới niêm mạc với bờ viền không rõ, không đau và phát triển to ra từ từ. Niêm mạc trên bề mặt bình thường.
- Tổn thương niêm mạc không rõ nguyên nhân, không lành sau 2 tuần.
- Tổn thương không lành sau nhổ răng, sưng đỏ, dễ chảy máu khi chạm vào tổn thương.
- Một vùng niêm mạc khoang miệng trở nên đỏ và gây đau rát, khó lành.
- Xuất hiện đau vùng khoang miệng không rõ nguyên nhân, đau ngày càng trầm trọng hơn.
Chú ý: Nếu tiền sử gia đình bị ung thư, bạn sẽ dễ mắc bệnh hơn do di truyền. Hãy luôn để ý tới những triệu chứng trên.
Theo Vietnamnet