Những người đam mê sưu tầm đồ cổ

02/02/2022 - 00:58

 - Sưu tầm đồ cổ là một trong những hình thức giữ gìn, lưu trữ những giá trị văn hóa của ông cha ngày xưa. Đây là một trong những thú chơi tao nhã thu hút nhiều người tham gia. Hơn hết, việc sưu tầm đồ cổ còn góp gần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại trong lao động, sản xuất.

Những bộ sưu tập độc đáo

Tại TP. Long Xuyên, khi nói đến sưu tầm đồ cổ, người trong giới không ai không nhắc đến chị Nguyễn Kim Quyên (còn được gọi là Nhà sưu tầm Đỗ Quyên, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), người đã có bộ sưu tập độc đáo, quý giá về gốm Việt. Trong đó, ấn tượng nhất là các hiện vật của dòng gốm xưa Nam Bộ, như: Cây Mai, Biên Hòa, Lái Thiêu.

Bộ sưu tập gốm của nhà sưu tầm Đỗ Quyên có đến hàng trăm món, gồm đủ loại từ đôn, chậu cảnh, các hình rồng trang trí trên mái đình chùa xưa, hình ảnh phúc - lộc - thọ, cho đến những vật dụng hàng ngày như chén, dĩa… từ các dòng gốm: Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa… Tuy đã qua gần 1 thế kỷ nhưng nước men, những mảng sơn trên các đồ gốm sứ vẫn còn giữ nguyên được màu sắc trung thực và sinh động của mình. Bộ sưu tập này không chỉ được xem là kho tàng lưu trữ những giá trị văn hóa rất lớn mà còn là cơ sở để thế hệ trẻ sau này biết đến, giữ gìn và phát huy nền văn hóa lâu đời của dân tộc.

Đối với mỗi người chơi đồ cổ thường bắt đầu từ đam mê, chơi, mua đồ, ngấm sâu vào sở thích, từ đó sẽ tìm hiểu về đồ cổ các niên đại qua nhiều kênh, như: Qua sách vở, trên mạng xã hội, trên Internet, qua bảo tàng, qua giao lưu học hỏi kiến thức thực tế từ các thành viên đam mê đồ cổ chia sẻ cho nhau. Đối với anh Trần Văn Nam (huyện Tri Tôn), niềm đam mê với đồ gốm xuất phát từ tính tò mò muốn tìm hiểu ý nghĩa những họa tiết, hoa văn in trên những món đồ gốm sứ xưa.

Anh Nam cho biết, anh bắt đầu niềm đam mê với đồ gốm xưa từ năm 2019. Đến nay, anh Nam đã có cho mình bộ sưu tập nhiều hiện vật quý như: Dĩa, bình, đôn vôi với số lượng hàng trăm món. Trong đó, nổi bật phải kể đến như: Dĩa song long tranh châu, dĩa tứ linh cùng đường kính 87cm, nặng 28kg; bình trà cao 64cm; cùng nhiều dĩa có đường kính 51cm...

Theo anh Nam, đồ gốm cổ không phải đồ có niên đại trăm năm, ngàn năm mới quý, có những món đồ chỉ 10-20 năm cũng là đồ quý. Nó quý bởi tính độc, lạ. Cũng vì lẽ đó, chính anh cũng không đặt nặng chuyện được mất. Tất cả những món đồ gốm sứ xưa đến với anh như một cái duyên.

Hiểu thêm về cội nguồn

Ngoài đồ gốm, hiện nay nhiều nhà sưu tầm còn tìm kiếm, sưu tập các món đồ liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người xưa, như: Đèn dầu, cơi trầu, đồng hồ... gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người xưa. Nhiều người lại có niềm đam mê với việc sưu tầm tiền cổ, đặc biệt là tiền Đông Dương như anh Đặng Toàn (huyện An Phú).

Anh Toàn cho biết, hồi học tiểu học, trong lúc lục tủ của ông nội thấy vài tờ tiền cổ Đông Dương bị mọt ăn chỉ còn phân nửa. Từ đó, anh bắt đầu gìn giữ, thấy bạn bè nào có tiền xưa anh cũng xin hoặc mua lại. Khi xuống TP. Long Xuyên học và làm việc, anh mới phát hiện giới chơi tiền và sưu tầm tiền cổ rất nhiều nên đã gia nhập để giao lưu, trao đổi. Ban đầu, chỉ nghĩ việc sưu tầm như một thú vui, nhưng trong quá trình tìm hiểu, anh nhận ra mỗi tờ tiền là một lát cắt lịch sử xã hội, một giá trị nghệ thuật… Từ đó, anh càng đam mê nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Mỗi tờ tiền, các anh tìm hiểu lịch sử, văn hóa - nghệ thuật, sự kiện... gắn liền với chúng nên không phải tờ tiền nào cũng được tìm kiếm, mà phải là những tờ gắn với sự kiện lịch sử, gắn với chủ quyền của Việt Nam. Chẳng hạn giai đoạn tiền Đông Dương, mỗi hình ảnh nghiên cứu sẽ trả lời tại sao trên giấy in hình này mà không phải hình khác, tại sao có chân dung nhân vật này mà không phải nhân vật khác; rồi đến hình ảnh những ngôi đền, cuộc khởi nghĩa, trận chiến thắng, các vị tướng, chưa kể về văn hóa, phong tục của riêng giai đoạn đó…

Theo anh Toàn, tùy vào giá trị, mỗi tờ tiền sưu tầm được thông qua trao đổi, mua trên mạng, những người bán đồ xưa có giá trị từ vài chục ngàn đến vài chục triệu đồng. Một tờ tiền thiết kế, đồ họa, in thử xong nhưng không phát hành sẽ vô giá trị với những người ở thời điểm đang sống, nhưng với giới sưu tầm hiện nay, nó được trả một giá rất cao mới có thể mua về vì “độc” và quý.

Không ồn ào như một số trò tiêu khiển khác, thú chơi đồ cổ đã góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Điều quý giá nhất với người chơi đồ cổ chính niềm vui được khám phá những đặc trưng về văn hóa của các thời kỳ lịch sử chứ không phải là những món đồ mà họ đang có.

ĐỨC TOÀN