Những người làm chổi bông cỏ

22/04/2022 - 06:37

 - Không phải làng nghề làm chổi truyền thống như các địa phương khác, những hộ dân ở khóm Tây Khánh 5 (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) làm theo kiểu nhỏ lẻ, từ cha mẹ truyền lại. Nghề làm chổi bông cỏ tuy vất vả, nhưng giúp cuộc sống của người dân nơi đây ổn định, tận dụng được thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập.

“Không biết nghề làm chổi có từ bao giờ, nhưng từ thời mẹ tôi đã bắt đầu làm chổi bông cỏ. Tính đến thời gian hiện tại, gia đình tôi theo nghề này hơn 20 năm và đây được xem là nghề truyền thống của gia đình” - anh Dương Văn Hải (37 tuổi, ngụ khóm Tây Khánh 5, phường Mỹ Hòa) chia sẻ. Trong quá trình trao đổi với chúng tôi, anh Hải luôn tay bó chổi, tận dụng mọi thời gian để hoàn thành công việc.

Theo anh Hải, để làm 1 cây chổi thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ mua bông cỏ, dây, tre, lát, vật liệu... Sau công đoạn phơi bông cỏ, là tới lựa bông, bắt thành lọn nhỏ, kết cổ chổi, may chổi, chẻ lát, kết cán chổi, cắt tỉa mới ra được sản phẩm hoàn chỉnh. Người làm chổi cần có sự khéo léo, tỉ mỉ, công phu. “Làm chổi tuy nhọc công nhưng không yêu cầu về độ tuổi và không bó buộc thời gian. Quá trình làm việc, mọi người vẫn có thể chuyện trò cùng nhau, không ảnh hưởng đến năng suất. Khi có việc thì nghỉ, rảnh rỗi thời gian thì đi làm. Có người nhận hàng về nhà, vừa làm vừa trông nhà, nấu cơm, xem như công việc phụ kiếm thêm thu nhập” - anh Hải cho biết.

Nguyên liệu được đặt mua ở tỉnh Quảng Ngãi. Từ nguyên liệu ban đầu, có thể tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Nhiều nhất là chổi bông cỏ truyền thống, chổi bông cỏ cán nhựa. Ngoài ra, anh Hải còn làm thêm chổi dừa khi có khách đặt hàng. Bên cạnh đó, anh Hải chịu khó cập nhật mẫu mã nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu, đảm bảo sản phẩm đẹp, chất lượng để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Nhờ làm ra cây chổi chất lượng, vừa lòng khách hàng nên chổi của anh không đủ bán.

Anh Hải chia sẻ thêm: “Người may chổi phải khéo léo, bỏ mũi kim đều tay, nếu không đường may sẽ lệch, xấu. Lúc đó, phải chỉnh mũi kim lại, rất cực công. Lúc quấn chổi, nếu nhẹ tay, cán chổi sẽ bị bung, chạy dây, chổi không chắc chắn, không đẹp. Siết quá mạnh tay sẽ bị đứt dây, bắn vào người gây xước da, chảy máu. Mọi công đoạn đều được làm rất kỳ công và khéo léo, nói dễ nhưng không dễ là vậy”.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung (vợ anh Hải) cho biết: “Nhà tôi thuê 13 thợ, mỗi người làm một công đoạn khác nhau. Số lượng được tính theo từng công đoạn. Đối với công đoạn quấn chổi, 1 người có thể làm được 80-150 cây/ngày, may từ 50-100 cây/ngày, tùy vào tiến độ nhanh, chậm của người thợ. Tính ra mỗi ngày, cơ sở của tôi làm ra khoảng 400 cây chổi, với giá bán 25.000 - 60.000 đồng/cây chổi, lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/cây. Thu nhập không cao nhưng nhờ số lượng bán ra nhiều, gia đình tôi kinh tế ổn định, người lao động nhàn rỗi có việc để làm”.

Bà Lê Thị Mướt (71 tuổi, ngụ cùng khóm 5, phường Mỹ Hòa, cùng làm nghề bó chổi với anh Hải) chia sẻ về nghề bó chổi: “Tôi bó chổi trên 10 năm, không thuê thợ phụ giúp. Một mình tôi làm hết tất cả công đoạn, từ bắt con chổi đến kết cán chổi. Làm được bao nhiêu bán bấy nhiêu, chủ yếu là lấy công làm lời”. Do lớn tuổi nên số lượng làm ra mỗi ngày khoảng 5-7 cây chổi. Trừ hết các khoản chi phí, bà Mướt nhận tiền lời 10.000 đồng/cây. Cứ làm ra được hơn 10 cây chổi thì bà mang đi bán. Ở tuổi này, bà không còn nặng gánh con cháu. Cả 4 đứa con đều lập gia đình và đều theo nghề bó chổi bông cỏ, làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mỗi ngày, đi bán chổi về, bà ghé nhà các con ăn cơm. Còn dư chút tiền, bà mua thêm ít trái cây, như: Chuối, đu đủ… mang ra chợ bán, kiếm thêm được vài chục ngàn đồng, có tiền trang trải cuộc sống.

Lý do vì sao không thuê người phụ làm chổi, bà Mướt cho biết: “Nhìn công việc này thấy dễ, nhưng bắt tay vào làm rất khó, phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Tôi tự làm để vừa ý mình, cây chổi đẹp mắt, chắc chắn, có như vậy mới dễ bán, không bị mất khách. Nghề này giúp tôi có công việc ổn định. Thu nhập tuy không cao, nhưng phần nào trang trải được cuộc sống. Tôi mong mình có nhiều sức khỏe để tiếp tục gắn bó với nghề”.

Nghề bó chổi bông cỏ tuy mang tính nhỏ lẻ, thu nhập không cao, nhưng mang đến thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Và những người làm nghề bó chổi chưa có ý định đổi nghề, họ cảm thấy hài lòng với công việc thực tại.

ĐAN THANH