Nửa đêm chầm chậm trôi về sáng. Mới 1-2 giờ, bóng tối trở mình, bị đánh thức bởi những ánh đèn bé xíu, trắng đục trên đầu người quê. Tiếng xuồng ghe lụp cụp, tiếng nước oàm oạp vỗ vào bờ, tiếng cá quẫy sột soạt, tiếng nói khe khẽ rồi lớn dần của mọi người… báo hiệu phiên chợ bắt đầu. Hồi xưa, con lộ đất lem nhem vất vả, nhưng được cái cắt ngang dòng Tha La. Đi giăng câu, giăng lưới, bắt cá suốt đêm, ghe xuồng cặp bờ dễ dàng, người dân dừng chèo, nghỉ tạm bên vệ đường. Người này truyền tai người kia, dần dần bạn hàng xúm lại cân cá ngay khúc đường ấy cho tiện, cho tươi. Cũng người này truyền người kia, dân câu lưới xúm xít lại, ngày càng đông. Cứ thế, chợ chồm hổm này ra đời. Chợ nhóm lúc tối trời, người ta lười đặt tên, cứ gọi “chợ ma”, “chợ âm phủ”.
Cái tên kỳ cục, kỳ lạ ấy được gọi riết thành quen, chớ nào có liên quan gì đến chuyện tâm linh! Khúc chợ ấy gọi chính xác là chợ đầu mối, bán tất cả những loài vật bắt được dưới sông (cá, tôm, ếch, cua…) cho bạn hàng. Bạn hàng tất tả mang sản vật còn tươi rói, chạy chợ đường xa, chợ phố thị, ở các huyện, thị xã, thành phố lân cận, cân lại cho bạn hàng ở chợ cho kịp sáng sớm. Người bán, người mua không tranh thủ thời gian này, thì lỡ phiên chợ, lỡ cá ngon, lỡ cả nguồn thu nhập.
Đến tận bây giờ, “chợ âm phủ” vẫn rộn ràng hoạt động của người sống, mang đậm nhịp sinh hoạt sông nước miệt vườn. Một người bạn sống gần đó, biết tôi có ý định trở lại, khuyên tôi cân nhắc kỹ vì số lượng người bán, lượng hàng hóa giảm nhiều so với trước, chính xác hơn là “hiu hắt lắm rồi”. Dẫu vậy, tôi vẫn muốn biết, chợ hiu hắt như thế nào. Ông Huỳnh Văn Lật (65 tuổi, người dân địa phương) chầm chậm dắt xe đạp ngang chợ, vừa tập thể dục, vừa ngó nghiêng mớ cá xem có gì ngon để mua.
Ông Lật giải thích: “Cha sanh mẹ đẻ tui ở đây, nên rành chợ lắm. Nước ít nước nhiều gì thì quanh năm suốt tháng chợ vẫn đông, xèo xèo người ta. Tuy nhiên, hồi trước đông đúc 10, mấy tháng nay còn 2 thôi. Hồi trước, 2 giờ sáng đã nhóm chợ, nay 4-5 giờ mới có vài người đem cá đến bán. Phần vì cá ít, phần vì dịch bệnh, chớ hông phải người ta muốn bỏ chợ đâu!”.
Chị Nguyễn Thị Diễm (sinh năm 1990, ngụ thị trấn Tịnh Biên) hơn 10 năm sống dựa vào chợ này. Rạng sáng, chị chạy xe máy, sà xuống lựa cá ở “mối” đã dặn trước. Tay bằng miệng, miệng bằng tay, chị lựa mớ cá thiểu, cá ét, cá dảnh… sang một bên, xem trọng lượng rồi bỏ vào cái bọc ny-lon nhỏ nhỏ. Bớt cái này, làm tròn cái kia, tổng cộng, chị mua 140.000 đồng. “Mua thêm chỗ này chỗ khác, chịu khó đem ra chợ ở TP. Châu Đốc, tôi lời được một mớ tiền chênh lệch, đủ sở hụi hàng ngày” - chị Diễm nhẩm tính.
Cầm 140.000 đồng trên tay, bà Bùi Thị Lệ (57 tuổi, ngụ TP. Châu Đốc) bần thần: “Mười mấy năm nay, mùa khô, tôi sống trên bờ, mùa nước sống dưới sông. Có bao nhiêu cá, tôi đều đem lên chợ này bán. Nước ít, cá ít cũng đành chịu, ráng đắp đổi thêm. Như bữa nay, đi kiếm cá từ 1 giờ đến 5 giờ, được chừng này tiền. Nói nào ngay, tôi còn mớ cá vụn, bán chắc được ít tiền nữa. Sáng hửng, tôi đi bắt ốc, chăn vịt. Mấy đứa con có gia đình, ở riêng, còn thằng út đi mần trật vuột hoài. Chồng tôi bệnh nhiều, tính ra làm được bao nhiêu đều đổ vào thuốc men cho ổng. Mần nghề này cực lắm, mà hổng mần thì biết xoay trở thế nào…”.
Khi tôi hỏi về mong ước cho tương lai, bà cười buồn, bởi ước thì ước lâu rồi, có thành hiện thực đâu. Mái nhà bình yên, cuộc sống ổn định, đơn giản vậy, mà loay hoay hơn nửa đời người, vẫn xa vời… Ánh sáng rõ mặt người, chợ bắt đầu chậm nhịp, thưa thớt người lẫn hàng. Những nhân vật tôi vừa trò chuyện vội vã theo con nước rời đi. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đoạn đường vắng lặng như chưa hề có gì xảy ra. Còn chăng, là vệt nước chưa kịp khô, là khách xa tần ngần nửa đi nửa ở.
Thường, người ta ghi nhận bấy nhiêu đó về chợ. Chợ tan, hết chuyện để kể. Nhưng, nhịp sống hàng ngày của người dân xung quanh gắn bó với chợ đâu chỉ có thế! “Chợ âm phủ” vẫn luôn là điểm tựa cho người sống. Giống như, chợ đang là điểm tựa cho gia đình bà Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1976). Nhà cách chợ mấy trăm mét, bà cũng bị cuốn theo guồng sinh hoạt của chợ. Các con đều lớn khôn, vợ chồng bà chưa đến 50 tuổi, còn sức lao động, thì còn muốn xoay trở với con nước, với lộc của thiên nhiên.
Trưa vắng, chúng tôi sà vào nơi họ đang cất vó. Khoảng 3 năm nay, họ dựng cái vó to bên dòng Tha La, chi phí tầm 10 triệu đồng, mà mấy mùa nước chẳng chút hư hao. Hôm nay cá chạy, cứ 5-10 phút, bà Thúy cùng cô con gái cúi người cất vó, chồng bà khua chiếc lưới, gom mẻ cá nặng tay. “Toàn bộ cá này, sáng mai tôi bán cho “chợ âm phủ”. Cá mè dinh 50.000 đồng/kg, cá linh cắt đầu mắm 18.000 đồng/kg… Cực ở chỗ, phải chịu khó thức sớm, tranh thủ kịp chuyến xe của bạn hàng. Ở đây, ai cũng có cá, hổng ít thì nhiều, biết bán cho ai? Cá mắm trời cho, mình bỏ công làm lời, đỡ chan chát đồng tiền” - bà Thúy buông vó, mỉm cười.
Có lẽ, “chợ âm phủ” cũng đang tựa vào con người, tựa vào nhịp sống sinh sôi nảy nở của vùng sông nước, của sự cần lao ở người dân. Ngày nào họ còn phơi mình trên đồng nước, ngày đó “chợ âm phủ” còn tồn tại. Ít hay nhiều, đông hay vắng chẳng quan trọng bằng việc, đôi bên đã có thói quen sống tựa vào nhau…
GIA KHÁNH