Những người thầy ở khu cách ly

20/11/2020 - 04:22

 - Ngày 1-4-2020, Trường Quân sự tỉnh (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang) chính thức giải thể. Theo đó, nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị và đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở được điều chuyển về Trường Quân sự Quân khu 9; điều chuyển nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quân sự tỉnh, huyện, cán bộ cấp xã, dân quân tự vệ, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và các nhiệm vụ khác về Trung đoàn Bộ binh 892 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh). Sứ mệnh của trường đã chấm dứt, chuyển sang một công việc đặc biệt không kém.

98 ngày của một người thầy áo lính

Cơ sở vật chất của trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung của Bộ CHQS tỉnh. Sau 7 đợt tiếp nhận người được cách ly từ nước ngoài về, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) phụ trách hậu cần, phục vụ được thay đổi thường xuyên. Đại tá Phạm Thanh Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường (nay là Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh) là một trong số ít cán bộ được phân công tiếp tục bám trụ lại trường. Lúc này, ông giữ vai trò mới: Chỉ huy khu cách ly.

Đại tá Phạm Thanh Kỳ tặng hoa chúc mừng 8-3 cho nữ công dân tại khu cách ly

Từ tháng 3 đến nay, tổng cộng 7 đợt cách ly tập trung, hơn 1.000 công dân được CBCS phục vụ. 7 đợt, tương ứng với 98 ngày đại tá Phạm Thanh Kỳ ở lại khu cách ly, chỉ huy, quán xuyến mọi vấn đề có liên quan. Nhiều công việc có tên, không tên cứ quấn lấy ông: chỉ đạo CBCS tổng vệ sinh doanh trại, sắp xếp, bố trí phòng nghỉ của công dân; chăm chút từng bữa ăn, hỗ trợ tận lực mọi yêu cầu chính đáng của họ; đến từng phòng thăm hỏi sức khỏe, động viên tư tưởng, nắm tình hình sinh hoạt, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc họ gặp phải; phối hợp các đơn vị có liên quan lấy mẫu xét nghiệm; bảo đảm phương tiện đưa công dân hoàn thành thời gian cách ly về bến xe, sân bay… Xa gia đình riêng, nên ông xem những công dân trong khu cách ly như đại gia đình của mình. Vừa kết thúc đợt cách ly này, ông chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận nhiệm vụ đợt mới khi có chỉ đạo của cấp trên.

Năm nay, người thầy áo lính Phạm Thanh Kỳ vẫn đón 20-11 trong trường, nhưng với tâm thế và cảm xúc rất khác. “Trong lòng tôi cảm thấy rất bùi ngùi, thường nhớ lại những kỷ niệm lúc làm cán bộ, lãnh đạo của trường; những việc tập thể nhà trường đã làm được trong các năm trước. Lúc ấy, tôi tâm niệm đem hết tinh thần và trách nhiệm điều hành công tác giáo dục và đào tạo thật tốt; truyền đạt kinh nghiệm cho cán bộ, giáo viên, nâng chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Hiện tôi vẫn còn tham gia giảng bài ở các lớp. Khi tiếp nhận cách ly, tôi ở lại trường thực hiện nhiệm vụ, nhiều lúc nhớ nghề giáo lắm. Tranh thủ thời gian rảnh, tôi bổ sung, cập nhật nội dung mới vào bài giảng, mong muốn truyền tải thật tốt bài giảng của mình, cố gắng giúp các đối tượng học viên hiểu thêm về công tác quân sự, quốc phòng địa phương ở cơ sở. Khi trở về, họ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, quân đội và địa phương giao phó” - ông Kỳ bày tỏ.

Lá thư của một giáo viên hưu

Cô Nguyễn Thúy Hà (sinh năm 1957) đã nghỉ hưu mấy năm nay, sau thời gian dài làm giáo viên dạy Anh văn Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Nghỉ hưu rồi, cô vẫn được mời trở lại trường dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, vẫn hạnh phúc với hoa và lời chúc của các thế hệ học sinh, đồng nghiệp. Tháng 3 năm nay, vợ chồng cô sang Đức đón cháu nội thứ 2 chào đời. Đại dịch COVID-19 bùng phát, làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch của họ. Sau 8 tháng bị kẹt lại ở xứ người, sim điện thoại của cô bị khóa, không thể liên lạc được. Rất may, vợ chồng cô được trở về trên chuyến bay “giải cứu” vào ngày 7-11, được sắp xếp cách ly tập trung tại Trường Quân sự An Giang (cũ). Trút bỏ những lo lắng ban đầu, vợ chồng cô tận hưởng những ngày “nghỉ dưỡng” tại đây, với bao cảm xúc tích cực.

Lá thư của cô Hà

Sáng 17-11, còn 4 ngày nữa hoàn thành đợt cách ly. Cô viết vội một lá thư “An Giang, ngày trở về”, gửi tặng CBCS khu cách ly, nét chữ nghiêng theo mạch cảm xúc dâng trào. “Trên tất cả là tình người, là sự tử tế mà chúng tôi cảm nhận được nơi đây. Đó là nơi các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam - những người dũng cảm chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước qua các cuộc chiến chống quân xâm lược - bền bỉ, tận tâm chăm sóc cho những người con nơi xa xôi về với quê mẹ. Chân thành cám ơn các anh vì đã “trung với nước, hiếu với dân”. Chúc các anh nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, cùng nhân dân chiến thắng đại dịch COVID-19”- trích một đoạn trong lá thư của cô Hà.

 Chia sẻ với tôi, cô bảo rằng còn rất nhiều cảm xúc của một người thầy về hưu, nhưng dung lượng lá thư không cho phép: “Tôi thật sự tiếc khi những ngày này không thể trở về mái trường thân yêu, dự lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường, gặp lại học sinh của mình. Thay vào đó, tôi chỉ có thể cập nhật tình hình gia đình, đồng nghiệp, bạn bè qua mạng xã hội. Dịp kỷ niệm 20-11 năm nay trở thành trải nghiệm không thể nào quên trong lòng tôi!”.

Sáng 20-11, đại tá Phạm Thanh Kỳ chuẩn bị bó hoa nhỏ, chúc mừng Tết nhà giáo đến 4 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đang ở trong khu cách ly. Ông trao gửi tâm tình của mình - một người thầy áo lính - đến với các đồng nghiệp phương xa, để cùng chia sẻ niềm vui, để cùng đánh dấu ngày đặc biệt của riêng họ… Bài viết này, như một lời tri ân của tác giả đến các thầy cô nói chung, những người thầy trong khu cách ly nói riêng. Mọi khó khăn, gian khổ rồi sẽ trôi qua, và như cô Hà đã viết: “trên tất cả là tình người”, sẽ còn lại mãi với thời gian!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH