Thời gian gần đây, đời sống người dân ngày càng được nâng cao kéo theo nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng được coi trọng. Trong các thú tiêu khiển, chơi hòn non bộ được người dân ưa chuộng. Bởi, thú vui này phù hợp với nhiều đối tượng chơi, từ già đến trẻ, từ người có điều kiện đến hoàn cảnh bình thường.
Có mặt tại cơ sở của anh Trần Văn Tuấn (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) ngay thời điểm anh đang tạo tác hòn non bộ, chúng tôi cảm nhận được sự tỉ mỉ, kỳ công của công việc này. Từ những khối đá tưởng như bỏ đi, qua tư duy sáng tạo của anh Tuấn đã cho ra những tác phẩm núi non hùng vĩ, tràn đầy sức sống.
Non bộ là nghệ thuật xây dựng, tạo hình và sắp đặt, đục đẽo những phiến đá vô tri, uốn nắn những cây nhỏ bé để mô phỏng những ngọn núi to lớn và cây cổ thụ ngoài thiên nhiên. Đi kèm với đó là hình ảnh thác nước, sông ngòi độc đáo.
Anh Tuấn cho biết, hòn non bộ có thể chia thành 3 loại: Hòn non bộ ngoài trời, có kích cỡ khá lớn, phù hợp những gia đình có diện tích sân rộng; hòn non bộ mi-ni trong nhà có kích thước nhỏ hơn, dùng để đặt trên bàn lớn, góc nhà và hòn non bộ nhỏ để bàn.
Mục sở thị quy trình làm hòn non bộ mới thấy được sự khéo léo, tỉ mỉ của công việc này. Vật liệu để tạo hòn non bộ thông thường gồm có bể, đá, cây, cá, sành, sứ... Về đá, có thể chọn nhiều chất liệu đá khác nhau, như: Đá vôi, đá tai mèo, đá san hô, đá lũa...
Tuy nhiên, đá san hô là vật liệu được lựa chọn nhiều nhất vì nó hút và chứa nước để nuôi cây, đồng thời giúp rễ cây bám vào chắc chắn. Về cây, nghệ nhân có thể chọn theo nhu cầu, sở thích người chơi, như: La hán tùng, trắc bá diệp, cây si, cây sung... Chọn sành sứ có hình chùa, tháp, chim, gia súc và người có màu tươi sáng và tỷ lệ phù hợp…
Hòn non bộ có thể xây dựng theo chủ đề danh lam thắng cảnh, núi sông, hang động, hoặc theo trí tưởng tượng của người nghệ nhân. Hòn non bộ nâng cao tính thẩm mỹ cho ngôi nhà, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó, sự kết hợp của “sông”, “núi” được xem là biểu tượng của đại lộc, đại cát.
Hòn non bộ giúp người chơi hòa mình vào thiên nhiên
Hòn non bộ đẹp nhờ sự phối hợp hài hòa giữa hồ cá, ngọn núi, cây xanh, bon-sai trồng trên đá. Người chơi có thể tự sáng tạo bằng cách gắn thêm những tượng gốm nhỏ trên núi, như: Người ngồi câu cá, ông lão chơi cờ, tiều phu, tượng Phật… Chơi hòn non bộ giúp người chơi hòa mình vào thiên nhiên. Giúp tinh thần trở nên thư giãn, tĩnh lặng sau thời gian làm việc căng thẳng. Ngày Xuân, cùng với cây cảnh có dáng cổ, kỳ, mỹ, văn, thưởng thức hòn non bộ cũng là một thú chơi tao nhã.
Cũng là nghệ nhân tạo tác hòn hon bộ giống anh Trần Văn Tuấn, ông Lê Đình Ngọc (Vườn kiểng Tư Ngọc, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) còn có thêm cách “thổi hồn” cho những hòn đá bằng cách chạm khắc, vẽ chữ thư pháp trên đá vô cùng độc đáo. Đến nay, ông Ngọc đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bằng đá. Những tác phẩm của ông Ngọc thường là hòn non bộ, viết chữ thư pháp trên đá, đá phong thủy… Trong đó, những chữ thư pháp được khắc trên đá gây ấn tượng nhất đối với khách hàng.
Ông Ngọc cho biết, khắc chữ thường lên đá đã khó, để khắc được những chữ thư pháp lên đá cuội, một thứ đá giòn dễ vỡ càng khó hơn. Vì thế, người làm phải có quá trình rèn luyện công phu, kiên nhẫn. Từ công đoạn chọn viên đá phù hợp với từng nội dung muốn viết, dùng máy khoan khắc chữ thư pháp lên thân đá rồi tô mực làm nổi bật con chữ là cả một quá trình rất tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo. Tùy số lượng chữ, nội dung chữ mà người làm có cách chọn viên đá phù hợp và mang tính thẩm mỹ cao.
Những tác phẩm chữ trên đá của ông Ngọc đa dạng, nhiều hình dáng. Đá được chọn thường là đá mắt mèo, đá cổ, thạch anh, gỗ hóa thạch… Nội dung các bức thư pháp trên đá của ông Ngọc là những chữ đề cao đức tính của con người, như: “Tâm”, “Đức”, “Nhẫn” hoặc những lời giáo huấn của các bậc hiền nhân học giả... có tác dụng răn dạy, giáo dục con người. Sự cứng cỏi của đá kết hợp với nét mềm mại của câu chữ làm nên một nét đẹp vừa uyển chuyển, vừa vững bền trông rất ý vị.
Từ những tảng đá vô tri, qua bàn tay của người thợ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Cùng với loại hình nghệ thuật sắp đặt, loại hình tạc tượng bằng đá thời gian gần đây cũng được người dân đón nhận. Có mặt tại Cơ sở mỹ nghệ điêu khắc đá Nhi Khánh (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn), ấn tượng đầu tiên là tiếng đục đẽo, tiếng máy xay đá vang lên khắp mọi nơi. Trong cái “lộn xộn” của những tảng đá nằm ngổn ngang, những bức tượng sư tử, tượng Phật, bồ tát hiện ra sinh động và nghệ thuật.
Anh Nguyễn Thành Tới (Cơ sở mỹ nghệ điêu khắc đá Nhi Khánh) cho biết, đã theo đuổi công việc này hơn 10 năm. Sản phẩm điêu khắc của anh Tới khá đa dạng, phong phú. Từ những bộ bàn ghế, bộ cờ, đến các tác phẩm tinh xảo, như: Tượng lân, sư, tượng phật, bồ tát… tùy theo yêu cầu, sở thích của khách hàng. Các sản phẩm được làm chủ yếu bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn, đá granite núi Sập và núi Dài…
Anh Tới cho biết, tùy theo kích cỡ của bức tượng mà thời gian hoàn thành dài, ngắn khác nhau. Với những bức tượng Phật, hay các tượng kích cỡ lớn, như: Sư tử, các loại bàn, ghế, viên đá loại to… thường được các chùa, công ty mua về sử dụng. Còn người dân và du khách thường mua các mặt hàng lưu niệm, tượng đá nhỏ…
Từ những tảng đá thô sơ, bằng ý tưởng sáng tạo, bàn tay tài hoa, điêu luyện cộng thêm sự cần cù, tỉ mỉ trong từng chi tiết, những người nghệ nhân đã mang cả tâm huyết, tình yêu nghệ thuật để tạo ra những công trình nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, được khách hàng yêu chuộng.
Sản phẩm tượng điêu khắc ngày nay được ứng dụng vô cùng rộng rãi trong lĩnh vực trang trí, từ không gian phòng khách, phòng ngủ, bàn làm việc, kệ ti-vi, sảnh chờ đến các tiểu cảnh ngoại thất... Tượng nghệ thuật với nhiều kiểu dáng, nội dung thể hiện đều được đưa vào kết hợp trang trí tạo nên một không gian kiến trúc đẹp, tinh tế, sinh động và đầy nghệ thuật.
ĐỨC TOÀN