Những nhà khoa học nông dân

17/01/2020 - 04:46

 - Không qua trường lớp nào, chỉ bằng kinh nghiệm được đúc kết trong thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã dày công nghiên cứu, sáng tạo ra những loại máy móc, phương tiện sản xuất để giải phóng sức lao động, từ đó nâng cao chất lượng sản xuất… Nhiều sản phẩm sáng tạo của những “kỹ sư không bằng cấp” này đã mang lại hiệu quả ứng dụng rất thiết thực, được bà con nhân dân quanh vùng học tập, truyền nhau để áp dụng vào thực tế sản xuất.

Về xã Bình Thủy (Châu Phú, An Giang) hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Văn Dũng  không ai không biết. Người dân “xứ cồn” biết đến ông không chỉ bởi sự cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động, mà còn biết đến ông như một nhà khoa học nông dân với những sáng kiến, chế tạo ra những nông cụ, giúp ích cho việc canh tác và quá trình sản xuất của bà con nông dân. Những sáng kiến của ông được nhiều người đánh giá dễ sử dụng, mang lại hiệu quả cao, phù hợp với từng vùng, từng địa phương nên được đông đảo bà con đón nhận.

Những nông dân với niềm đam mê sáng tạo, cải tiến máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp

Ông Dũng cho biết, từ năm 2005, ông đã bắt đầu nghiên cứu, cải tiến nhiều thiết bị nhằm giúp ích cho việc sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến nay, có nhiều sáng kiến đã được đón nhận như: thiết bị đánh rãnh, máy bắt rầy xanh trên đậu bắp, máy bón phân...

Những công cụ này phục vụ tích cực cho sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân giảm bớt công sức, tiền của. Theo ông Dũng, bản thân ông chỉ mới học hết lớp 9, chưa từng qua bất kỳ một lớp đào tạo nào về cơ khí, chế tạo… nên trong thời gian đầu, khi bắt tay vào việc chế tạo, ông gặp rất nhiều khó khăn.

Sau mỗi lần thất bại, ông rút ra cho mình kinh nghiệm quý báu để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa. Bên cạnh đó, ông còn tự trang bị thêm những kiến thức cho việc chế tạo các thiết bị máy móc thông qua việc tiếp nhận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như kinh nghiệm từ những người đi trước.

Cũng trong huyện Châu Phú, ông Phạm Văn Đậm (xã Thạnh Mỹ Tây) có một sáng kiến được nông dân ưa thích, đó là xe cắt cỏ. Trước đó, ông Đậm đã có những sáng chế độc đáo như: máy tưới rẫy tự động; máy phát điện mi-ni; máy cưa cải tiến phục vụ công việc cắt, tỉa các cành cây ở xa mà tay người không với tới được.

Giới thiệu với chúng tôi, ông Đậm cho biết, xe cắt cỏ được cải tiến từ chiếc máy cắt cỏ cầm tay, có trọng lượng khoảng 30kg, có thể di chuyển ra vườn bằng xe gắn máy, hoặc đẩy bộ. Nguyên lý hoạt động cũng như các loại máy bình thường khác, nhưng ở đây mình rút ngắn cây láp lại rồi để lên bánh xe và gắn động cơ, tùy theo động cơ nặng hay nhẹ, lớn hay nhỏ mà mình cân bằng”.

Ông Đậm cho biết, chiếc máy ra đời giúp nông dân giảm 3 lần thời gian so với sử dụng chiếc máy truyền thống. Đồng thời, máy có thể di chuyển thông qua hệ thống bánh xe giúp cho việc di chuyển dễ dàng hơn, giảm nhiều công lao động.

Tại huyện An Phú, việc đưa vào hoạt động chiếc máy “3 trong 1” của ông Trần Công Nẻo (xã Phước Hưng) giúp nông dân giải phóng sức lao động đối với công việc thu hoạch. Đồng thời, giảm ô nhiễm môi trường do nông dân không phải đốt đồng như trước.

Ông Trần Công Nẻo cho biết, ông hình thành ý tưởng và bắt tay sáng chế chiếc máy cách đây trên 2 năm. Chiếc máy ra đời với các tính năng như: chặt, băm và phun xác cây bắp để làm thức ăn nuôi bò sữa. Ông Nẻo cho biết, trước đây nông dân huyện An Phú sau khi thu hoạch bắp phải dùng tay chặt cây, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Công việc này mất khá nhiều thời gian và công sức.

Ông Nẻo chia sẻ: “Khi sử dụng chiếc máy này, trong vòng 1 giờ có thể nhai nhuyễn 10 tấn nguyên liệu là thân cây bắp, cao gấp nhiều lần so với thực hiện bằng phương pháp thủ công. Ngoài ra, nông dân không tốn công dọn ruộng hoặc đốt đồng gây ô nhiễm môi trường”. Ông Nẻo cho biết thêm, ông từng chế tạo chiếc máy lột vỏ và tách bắp giúp giảm đáng kể công sức trong việc tách hạt bắp…

Trên đây là những điển hình nông dân có niềm đam mê rất lớn đối với những sáng kiến khoa học, góp phần giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp hiệu quả vào quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

ĐÌNH ĐỨC