Lênh đênh… phận “má hồng”
Một chiều ngày mưa, những con đò đưa khách qua ấp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, An Giang), còn gọi là cồn Phó Ba cũng hiu hắt hẳn. Thấp thoáng khơi xa, vượt qua những con sóng nhấp nhô, những chiếc đò đưa khách ấy lâu lâu lại ẩn hiện dáng dấp những người phụ nữ đang vững tay máy, ngược xuôi từng chuyến đò đưa rước khách sang sông. Gần đến bờ, người phụ nữ tôi vừa trông thấy lúc nãy nhẹ nhàng bẻ tay máy đưa chiếc đò nhỏ cập bến. “Sáng giờ đưa rước khách bộn không chị?” - tiếng hỏi của tôi hòa lẫn tiếng cười nói rộn ràng của những người khách đang vội vã bước lên bờ.
“Cũng hơn chục người rồi, như vậy là nhiều đó em. Có hôm được dăm bảy người thôi!” - chị đưa đò trả lời không do dự. Làm bạn với sông nước, vốn liếng có được chỉ là chiếc đò nhỏ. Chắt chiu, gom góp từng đồng bạc lẻ, cuộc đời những người phụ nữ trót vương lấy nghề đưa đò cứ lênh đênh, gập ghềnh theo con nước đưa khách trên sông như thế.
Trên chiếc đò chông chênh, chị Nguyễn Thị Ly (sinh năm 1983, ngụ ấp Mỹ Thạnh) bắt đầu chia sẻ về nghề đưa đò của mình. Xen giữa những đợt sóng vỗ là giọng chị ôn tồn. Chị quay trở về nghề đưa đò trên bến sông này hơn 1 năm nay. 10 năm trước, người phụ nữ ấy cũng đi ra từ nghề đưa đò này. Song vì cuộc sống, chị thử vận may sang nghề “bán buôn”. Nhưng rồi cũng không khấm khá hơn là bao nên chị Ly quyết định quay về gắn bó với nghề ban đầu - đưa đò.
“Nghề này không bỏ vốn nhiều. Chỉ cần có chiếc đò, ít dầu là đã ngược xuôi “kiếm cơm” qua ngày. Mỗi lượt khách sang sông, tôi lấy 5.000 đồng, với học sinh thì chỉ lấy 2.000 đồng. Đa số khách sang sông là dân lao động, bôn ba kiếm sống như mình, ăn mắc coi sao đặng. Vậy đó, ngày nào được ông bà “độ”, tôi cũng kiếm được gần cả trăm ngàn đồng, chắt góp lo cho gia đình 2 bữa cơm. Nhiều lúc vì mưu sinh, chúng tôi phải vượt qua 2 chữ “vất vả”.
Chứ nói thật, phụ nữ làm nghề đưa đò ở xóm tôi đâu nhiều bằng cánh đàn ông. Gặp khách khó tính cũng đâu chịu để phụ nữ đưa vì sợ “yếu tay”. Lấy niềm vui trong công việc an ủi mình, chứ quanh năm “bán” mặt cho sóng nước, chúng tôi nào biết đến ngày lễ gì của phụ nữ. Chỉ nghe người ta truyền tai nhau, xong rồi cũng bắt đầu với công việc như bao ngày bình thường khác” - nghe chia sẻ của chị Ly tôi không khỏi chạnh lòng.
Câu chuyện của chị Ly làm tôi nhớ đến hình ảnh mưu sinh sông nước của những cô, những chị ngược xuôi trên chợ nổi Long Xuyên. Ở chợ nổi, người bán đồ ăn sáng hay thức uống, từ cà phê đến các loại nước ngọt, trà đá hầu hết là chị em phụ nữ. Người bán chất hàng trên chiếc xuồng nhỏ nhưng tô, dĩa, ly, chén... ngăn nắp dù có đôi lúc khua nhau vì sóng vỗ. Họ len lỏi “thuần thục” từ ghe này đến ghe kia, để phục vụ bữa sáng cho những người trên chợ nổi. Dĩa cơm tấm, tô bún riêu hay bún thịt xào… có giá từ 10.000- 12.000 đồng/tô, ly cà phê khoảng 7.000 đồng, thuận mua, vừa bán.
Chị Hai (người có hàng chục năm bán bún riêu trên chợ nổi) lấy chính xác từng nhúm bún, mớ rau có định lượng, cất tiếng: “Tôi gắn bó với sông nước lâu lắm rồi. Ban đầu không quen, tôi hay bị giật mình khi sóng đánh. Để kịp bán, tôi phải thức dậy chuẩn bị các thứ từ rất sớm, khoảng 5 giờ sáng là phải có mặt ở khúc sông này. Vì thương lái bận bán hàng, mình phải chịu khó chèo đến từng ghe chào mời. Nhiều du khách tham quan chợ nổi rất thích cảm giác ăn sáng trên sông. Tuy cực nhưng vui lắm!”.
Vượt qua nghịch cảnh
Đó là hình ảnh đẹp đầy kiên cường của chị Nguyễn Thị Phương Thanh (sinh năm 1978, ngụ ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, Thoại Sơn, An Giang). Dù không may bị sốt bại liệt từ nhỏ, đôi chân chị teo tóp không thể đi lại, sinh hoạt như người bình thường. Vậy mà bằng nghị lực hơn người, cùng sự yêu thương, đùm bọc của gia đình, chị Thanh dần xua đi những mặc cảm ban đầu, tìm hướng đi cho cuộc đời mình.
Hơn 10 năm trước, chị Thanh không chỉ nhận may gia công túi xách và bỏ mối tận TP. Hồ Chí Minh, mà còn mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục chị em nhàn rỗi vùng nông thôn. “Theo sự giới thiệu, hỗ trợ của người quen, tôi học nghề may rồi nhận gia công túi xách. Tuy việc học may có khó khăn hơn so với người bình thường nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Khi công việc dần ổn định, tôi nhận hàng nhiều hơn để chị em quanh xóm có thêm thu nhập, lo cho gia đình. Tôi trang bị 5 cái máy may để các chị đến nhà gia công hàng ngày. Mỗi tháng, các chị em cũng kiếm thêm thu nhập hơn 3 triệu đồng” - chị Thanh bày tỏ.
Giọng nói bỗng trầm hẳn, chị Thanh nhìn mớ vải nằm gọn ở góc nhà rồi trầm ngâm. “Hơn 4 tháng nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên đơn hàng ngày càng ít rồi từ từ ngừng hẳn cho đến hôm nay. Căn nhà vốn nhộn nhịp, vui vẻ tiếng cười nói, tiếng tâm sự và tiếng xình xịch của chiếc máy may nay không còn nữa. Không chỉ tôi mà nhiều chị em cũng rơi vào cảnh thiếu hụt vì không còn đơn hàng gia công. Tháng trước, tôi tự đi xe khách, một mình đi rồi về TP. Hồ Chí Minh không biết bao nhiêu bận chỉ với hy vọng tìm mối đặt hàng. Song, mọi hy vọng đều vụt tắt. Giờ, tôi nhận gia công quần áo quanh xóm để đắp đổi qua ngày, mong một ngày không xa, nền kinh tế khôi phục để công việc của chị em chúng tôi trở lại như xưa!” - chị Thanh mong mỏi.
Với nghị lực vượt qua nghịch cảnh, chị Thanh đã nhận được nhiều khen thưởng từ xã đến huyện. Tháng 7-2020, chị được UBND huyện Thoại Sơn khen thưởng “Gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước huyện Thoại Sơn (2015 - 2020)”.
PHƯƠNG LAN