Đã bao giờ bạn được phục vụ món bò bít tết mà bạn thất vọng? Chắc chắn là có. Đó có thể là do món ăn quá chín, hoặc quá tái, hay nêm nếm không đúng vị. Không được chế biến cẩn thận, dù chỉ một lỗi nhỏ, cũng khiến miếng bít tết trở thành thảm họa. Công việc chuẩn bị khá đơn giản nhưng cũng dễ dàng biến thành những lỗi phổ biến khiến bạn làm hỏng món bít tết của mình. Hãy thử xem những sai lầm dưới đây, có thể bạn sẽ rút kinh nghiệm cho món ăn của mình.
Miếng bít tết cháy bên ngoài nhưng bên trong vẫn sống
Có rất nhiều miếng bít tết trông bề ngoài rất ngon nhưng bên trong vẫn còn sống (không phải do bạn cố tình để tái - rare). Các đầu bếp cho rằng nếu miếng thịt đã chín, thậm chí cháy ở bên ngoài nhưng bên trong vẫn lạnh hoặc sống là bởi bạn đã chế biến ngay khi bỏ ra khỏi tủ đông. Một số người thì thích ướp sau đó bỏ vào tủ lạnh trong vài giờ. Điều này hoàn toàn sai lầm. Vì vậy, để miếng bít tết được chín đều, hãy chắc chắn miếng thịt bò có nhiệt độ bằng với nhiệt độ phòng trước khi chế biến.
Nêm nếm quá ít hoặc quá nhiều gia vị
Theo các đầu bếp, rất nhiều người sợ phải nêm gia vị vào miếng bít tết vì lo bị mặn. Nhưng những miếng bít tết thường rất dày và lớn nên gia vị không thể ngấm được vào bên trong. Vì vậy, lời khuyên cho bạn là nên nêm gia vị vừa đủ lên mặt miếng thịt trước khi chế biến để món ăn thơm ngon hơn. Còn trong trường hợp ngược lại, cần gia vị thấm thật sâu, nên ướp rồi để từ 30 đến 60 phút cho ngấm.
Chạm vào miếng bít tết khi đang chế biến
Nếu bạn thích chạm vào miếng bít tết khi đang chế biến thì đó là một hành động sai lầm. Các đầu bếp khuyên rằng để chuẩn bị tốt cho món ăn này cần chắc rằng bếp nướng/chảo chiên phải thật nóng. Khi chế biến phải luôn duy trì được độ nóng, nếu muốn miếng bít tết chín vừa thì cần 2-5 phút mỗi mặt tùy vào độ dày của miếng thịt, chỉ lật một lần và hạn chế tối đa chạm vào miếng thịt. Việc này sẽ khiến miếng bít tết tạo được bề mặt đẹp và ngon hơn.
Không sử dụng nhiệt kế
Các đầu bếp cho rằng, nếu bạn dùng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ khi làm bít tết sẽ giúp bạn tránh nguy cơ món ăn trở thành thảm họa, nhất là với những người còn ít kinh nghiệm. Dưới đây là từng nhiệt độ phù hợp cho từng kiểu bít tết khác nhau. Tái: 49-52 độ C; Tái vừa: 55 độ C; Vừa: 60 độ C; Chín vừa: 66 độ C; Chín kỹ: 74 độ C.
Để bít tết quá chín sẽ khiến món ăn đổi vị
Có nhiều kiểu bít tết khác nhau nhưng nhìn chung để bít tết chín quá là lỗi phổ biến nhất. Các chuyên gia cho rằng những miếng bít tết được làm quá chín thì thường không ra gì. Vì khi đó, chất béo, đường và protein kết hợp lại với nhau khiến miếng thịt trở nên cứng. Lúc này miếng thịt gần như đã mất hết chất dinh dưỡng khiến nó dai và khó tiêu hóa. Nếu bạn không thể ăn tái (rare), hãy cố gắng thưởng thức ở mức vừa (medium) để thấy hết vị ngon.
Sau khi chế biến, miếng bít tết có màu xám nhạt
Màu xám nhạt của miếng bít tết là câu trả lời rõ ràng nhất rằng bạn đã làm không đúng cách. Điều này đến từ nhiệt độ của bếp nướng/chiên, có thể không đủ nóng. Một bếp đủ nóng sẽ để lại những vết xém ngon và đẹp mắt trên miếng thịt. Vì vậy, nếu miếng bít tết có màu xám trắng có nghĩa là nhiệt độ của bếp quá thấp và bạn đang hấp bít tết chứ không phải chiên hay nướng. Thay vào đó, hãy để miếng thịt có các vết xém, như vậy chứng tỏ bạn đã được chuẩn bị và chế biến hoàn toàn chuẩn xác.
Một mặt của miếng bít tết chín hơn mặt còn lại
Những vết xém trên miếng bít tết sẽ chẳng là gì nếu chỉ có ở một mặt, còn mặt kia thì không. Bạn hãy chắc rằng miếng bít tết được nướng/chiên đều vì nếu không, một mặt sẽ chín còn một mặt lại sống.
Không bôi dầu lên vỉ nướng/chảo
Nướng bít tết mà chỉ việc đặt miếng bít tết lên vỉ nướng là một sai lầm nghiêm trọng. Cần phải phết chút dầu thực vật lên vỉ nướng trước khi nướng bít tết, tương tự với chảo chiên. Điều này khiến cho miếng bít tết không bị dính.
Theo TIẾN QUAN (Ngôi sao)