Những tấm gương học tập Bác ở Châu Phú

30/11/2022 - 06:55

 - Thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình với những việc làm thiết thực.

Là một trong những gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thắm (Phó Trưởng ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) tỉnh An Giang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội PGHH thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) luôn nỗ lực học tập và làm theo Bác thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động an sinh xã hội theo phương châm “Hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng”.

Hội LHPN thị trấn Cái Dầu cùng ban, ngành, đoàn thể và người dân vệ sinh môi trường

Bằng khả năng của mình cùng sự ủng hộ của bà con tín đồ PGHH và các nhà hảo tâm, ông Thắm đã phối hợp chính quyền, MTTQ các cấp huyện Châu Phú thực hiện tốt hoạt động từ thiện, như: Xây nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ khung nhà tiền chế cho các hộ khó khăn về nhà ở; tặng xe đạp, tập sách, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, cận nghèo; hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; tặng quà hỗ trợ người nghèo vui Tết… với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.

Ông Thắm chia sẻ: “Học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, cần thiết, giúp mỗi người tự rèn luyện mình trở thành công dân tốt cho xã hội. Vì vậy, bản thân tôi luôn nỗ lực phấn đấu học tập và làm theo Bác thông qua việc làm cụ thể, đồng hành cùng địa phương trong hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, cận nghèo, người yếu thế vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống”. 

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Cái Dầu, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lồng ghép với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. “Trong thực hiện nhiệm vụ, Hội LHPN thị trấn đề ra mục tiêu hướng mạnh về cơ sở, gần gũi với hội viên, làm cho hội viên tin tưởng vào tổ chức hội. Đồng thời, đa dạng hóa các phương pháp, hình thức dân vận.

Nhờ đó, Hội LHPN thị trấn đã đề ra được những giải pháp thiết thực trong việc vận động hội viên tham gia các mô hình học tập và làm theo Bác gắn với “Dân vận khéo”. Đồng thời, cán bộ hội còn tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, giúp người dân nâng cao nhận thức và phát huy quyền làm chủ của mình” - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cái Dầu Lê Thị Lan cho biết.

Nhận thấy trên địa bàn thị trấn Cái Dầu có nhiều công ty, doanh nghiệp và cơ sở ăn uống có nhu cầu cần người giúp việc, Ban Thường vụ Hội LHPN thị trấn Cái Dầu đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các hội viên, phụ nữ và trong năm 2022 đã triển khai thực hiện mô hình “Phụ nữ giúp việc nhà”.

Ban đầu mô hình có 7 thành viên là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm ổn định tham gia, đến nay mô hình đã tăng lên 28 thành viên. Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ mô hình “Phụ nữ giúp việc nhà” hoạt động, Hội LHPN thị trấn Cái Dầu đã làm cầu nối liên hệ với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, quán ăn, những hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Cái Dầu để giới thiệu việc làm cho các thành viên. Đến nay, trong 28 thành viên của mô hình “Phụ nữ giúp việc nhà” thì 17 người có công việc ổn định nhận lương tháng, còn 11 người đang hoạt động theo giờ, làm việc theo phân công của tổ trưởng mô hình.

Cũng như Hội LHPN thị trấn Cái Dầu, thời gian qua, Hội LHPN xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú) đã học tập Bác thông qua việc triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho hội viên, phụ nữ. Xác định việc học tập và làm theo Bác gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Hội LHPN xã Ô Long Vĩ đã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hành động và bồi đắp phẩm chất đạo đức cho cán bộ, hội viên. Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình, như: Tiết kiệm điện 5.000 đồng/hội viên/tháng, tương trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, hùn vốn xoay vòng, ống heo tiết kiệm điện, hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện...

Để thực hiện hiệu quả các mô hình, Hội LHPN xã Ô Long Vĩ đã vận động hội viên và các thành viên trong gia đình hội viên phụ nữ tiết kiệm điện, nước, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, dùng số tiền tiết kiệm được để tham gia các mô hình…

Đến nay, đã xây dựng được 5 tổ thực hiện các mô hình, với 89 thành viên, định mức tham gia các mô hình của mỗi thành viên từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Từ đó, đã có 28 hội viên phụ nữ được nhận vốn hỗ trợ, với tổng số tiền 238 triệu đồng để kinh doanh, mua bảo hiểm y tế cho người thân, trang trải chi phí học tập cho con em…

Thông qua những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các tổ chức, cá nhân cho thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự lan tỏa trong cộng đồng. Qua đó, góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp, đề cao tinh thần “Tương thân tương ái” của dân tộc.

MỸ LINH

 

Liên kết hữu ích