Những thói quen xấu ngày Tết

23/02/2018 - 01:34

 - Trong tâm thức của mỗi người Việt, Tết không chỉ là dịp để gia đình đoàn tụ, sum họp mà còn chứa đựng cả bản sắc dân tộc. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, ngày Tết đã phai nhạt ít nhiều so với Tết xưa. Những hành động biến tướng, xấu xí được gắn mác “Tết mà” đã và đang trở thành “thói quen” của một số người.

Chuyện xem các chương trình văn nghệ, bắn pháo hoa chào mừng năm mới rồi vô tư xả rác vốn không là chuyện mới nhưng đáng buồn nhất là năm nào tình trạng này cũng diễn ra. Sau màn bắn pháo hoa giao thừa chào đón năm mới Mậu Tuất 2018, nhiều khu vực của TP. Long Xuyên tràn ngập trong rác. Để giành được vị trí đẹp coi pháo hoa, người dân nhiều nơi tranh thủ đến sớm, họ đem theo: bánh mì, nước uống, giấy báo, hộp xốp... và sau khi sử dụng xong, tiện tay vứt xuống đường vì nghĩ rằng sẽ có người dọn rác.

“Ngắm pháo hoa xong mọi người vô tư ra về, bỏ mặc các công nhân vệ sinh phải gồng mình dọn rác. Phải chi mọi người có ý thức một chút thì họ đã được về sớm đón năm mới cùng với gia đình mà không phải mệt nhọc như vậy”- chú Nguyễn Văn Tâm (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) phàn nàn.

Trong những ngày Tết, nếu di chuyển dọc theo tuyến Quốc lộ 91 từ TP. Cần Thơ lên TP. Châu Đốc (An Giang) và một số tỉnh lộ, nhiều người không khỏi ngán ngẫm với hình ảnh rác vương vãi 2 bên đường.

“Họ di chuyển trên xe máy, xe khách, ăn uống xong là quăng xuống đường, trong khi lượng xe ngày Tết đông đúc, nhìn nhếch nhác lắm. Công nhân vệ sinh dọn ở phía trước thì họ ngồi trên xe ném rác xuống, thiệt kỳ hết sức”- cô Oanh (phường Mỹ Thạnh) lắc đầu.

Hãy giữ lại những hình ảnh đẹp ngày Tết

Tục đi chùa ngày đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong những ngày Tết. Sau lễ cúng gia tiên, người dân thường đến các đình, chùa để xin lộc và cầu may mắn, bình an cho gia đình trong năm mới.

Vậy mà, vài năm trở lại đây, nhiều người thay vì đến chùa thắp nén nhang cầu cho gia đạo bình an thì cũng chuẩn bị luôn tâm thế phải lấy cho bằng được bất cứ thứ gì ở chùa đem về nhà, rồi cho đó là “lộc”.

Từ cây xanh trong khuôn viên đến hoa quả chưng trên bàn Phật được nhiều người tự nhiên bẻ, lấy một cách vô tư. Đó là chưa kể, nhiều nơi như: chùa Kim Tiên, thiền viện Đông Lai (Tịnh Biên), tịnh thất Quy Nghiêm (Thoại Sơn)... còn đãi đồ chay, nước uống cho phật tử cùng khách vãng lai đến dùng.

“Nhiều người lạ lắm, thấy không được thì thôi đừng ăn, chen nhau lấy cho nhiều, ăn được một ít rồi đem đổ, uống ly nước xong là bỏ ngay xuống chân mình như không có chuyện gì”- chị Phương (TP. Long Xuyên) bức xúc.

Chùa là nơi trang nghiêm, không nói nhưng ai cũng tự giác ăn mặc lịch sự, gọn gàng vì đây còn là nơi tu tập, thờ phượng. Vậy mà, những ngày Tết, hình ảnh chen lấn nhận lì xì từ sư, nói cười lớn tiếng, rồi mặc hở hang, váy ngắn, áo mỏng... hầu như cứ diễn ra. Từ một truyền thống đẹp mang đậm nét nhân văn, vậy mà nhiều người đã và đang vô tình làm mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu.

Lấy chồng xa quê, năm nay tranh thủ lắm chị Lê Tuyết Linh (Phú Tân) cùng con trai 3 tuổi mới được về ăn Tết bên gia đình ngoại. Về đến nhà chiều 30 Tết, chưa kịp nghỉ ngơi, 2 bên nhà hàng xóm đã mở nhạc, hát hò, ban đầu thì nhỏ, rồi lớn dần, người trong nhà nói chuyện với nhau phải hét to mới nghe được.

“Bên thì nhạc trẻ, bên ca cổ, con trai khó ngủ nên cứ giật mình khóc suốt. Qua giao thừa rồi mà họ vẫn không chịu ngủ, cứ hát tới mòn mỏi, khi tắt đi nghỉ cũng đã gần 4 giờ sáng, nhà mình cũng vật vã theo” - chị Linh chia sẻ.

Đó là chưa kể, nhậu thì phải hát, lúc đầu còn vui vẻ, chén chú chén anh, sau một hồi tranh luận thì chửi bới, đánh lộn. 

Từ trước đến nay, ý nghĩa của Tết là đoàn tụ, sum họp bên gia đình và cũng là dịp để nghỉ ngơi, chuẩn bị xuất phát điểm tốt nhất cho 1 năm mới thắng lợi. Tuy nhiên, với nhiều người, chỉ cần gắn 2 chữ “Tết mà” là sẽ vô tư muốn làm gì cũng được, thoải mái ăn chơi từ nhậu, đánh bài, đá gà, đánh nhau, hát hò thâu đêm, tiền dành dụm cả năm trời đem ra tiêu xài trong 3 ngày Tết…

ÁNH NGUYÊN