Những trận cầu “kinh điển”
Có mặt trên cánh đồng vừa mới thu hoạch xã Núi Tô (huyện Tri Tôn), tôi vô tình bắt gặp bầu không khí vô cùng nhộn nhịp, sôi động của trận đấu bóng đá “đỉnh cao” giữa thanh niên trong xã. Sân khá nhỏ, mỗi đội thi đấu chỉ có 5 người. Ngoài 2 đội đang thi đấu, phía ngoài sân còn 1 đội chờ đến lượt mình. Chau Rích (học sinh lớp 9, Trường THCS Núi Tô) cho biết, mấy ngày gần đây, sau khi tan học, em đến sân bóng chơi cùng các bạn. “Đá bóng ở đây, em cảm thấy rất vui và thoải mái. Bên cạnh đó, được chơi thể thao giúp em giảm bớt căng thẳng sau giờ học trên lớp”.
Nằm trên đất ruộng nên sân bóng thiết kế khá đơn giản. Kích thước sân thường được đo theo “cảm quan” của người đá, không có quy chuẩn cụ thể. Đường biên ngang và biên dọc thì dùng dây ny-lon để căng. Khung thành được làm bằng trúc, phía trên sử dụng dây ny-lon làm xà ngang. Đất ruộng mới cắt, làm “mặt sân” khá gồ ghề. Tuy nhiên, nhờ những trận đấu trước đó nên gốc rạ bị đạp bẹp xuống, tạo thành lớp “cỏ” khá mềm… Thông thường, sân thi đấu “mọc lên” sau thời điểm thu hoạch lúa đông xuân và hè thu. Thời điểm này ít mưa, đất mềm, quá trình thi đấu dễ dàng hơn.
Những trận đấu trên sân đất ruộng
Những trận đấu như thế này thường không có luật. Nếu có, chỉ áp dụng cho từng ngày, từng trận thi đấu. Các trận đấu diễn ra theo hình thức loại trực tiếp, đội nào bị thủng lưới trước sẽ ra sân, nhường đội khác vào. Do đó, không khí trong sân khá “nóng”, hàng loạt pha tranh chấp quyết liệt. Không khí ngoài sân cuồng nhiệt không kém, khi đội ở ngoài chờ đến lượt mình. Ngày chỉ có 2 đội, thì trận đấu chỉ dừng lại khi… các “cầu thủ” không còn sức, với tỷ số không tưởng, có khi lên hàng chục bàn thắng!
Đặc biệt, do đã quá quen mặt với nhau, các cầu thủ không cần đồng phục, thậm chí còn có người ở trần. Số lượng cầu thủ 2 bên đôi khi chênh lệch 1-2 người, nhưng không ai phàn nàn. Đội hình thi đấu không câu nệ người lớn hay nhỏ, chỉ cần thích đều có thể tham gia. Bên cạnh đó, mỗi đội thường có luật “bất thành văn”, như: Người mập nhất được phân công làm thủ môn, người đá hay nhất làm tiền đạo, người đá “rắn” hay thể hình to lớn được làm hậu vệ… Thi thoảng, vẫn xuất hiện “cầu thủ” kỹ thuật thi đấu khá tốt. Điều này giúp tạo nên trận thi đấu vô cùng hấp dẫn, mang đến tiếng cười sảng khoái…
Nơi thỏa mãn đam mê
Cách đó không xa, sân bóng tương tự cũng được lập nên. Tuy nhiên, cầu thủ chỉ ở độ tuổi “măng non”, “tiểu học”. Trận đấu diễn ra “hỗn loạn” hơn. Một sân bóng nhỏ xíu, nhưng có hơn 20 “cầu thủ” thi đấu. Bóng lăn đến đâu, “cầu thủ” 2 đội ùa theo đến đó. Những tiếng la, cười nói, tiếng gọi nhau í ới, xóa tan bầu không khí yên ả chiều quê.
Ở khu vực nông thôn, không có điều kiện thuê sân bóng được đầu tư, xây dựng bài bản, nên thanh niên, thiếu nhi tận dụng nhiều nơi làm sân bóng đá, từ bờ đê, đất ruộng sau thu hoạch hay mảnh đất trống quanh nhà. Miễn sao có trái bóng và đất trống là có được niềm vui của trò chơi tập thể hấp dẫn này. Tuy nhiên, không vì thế mà các trận đấu diễn ra kém sôi nổi. Ngược lại, không mất chi phí thuê sân nên các em có thể thi đấu, vui chơi cả ngày.
Ai cũng có thể tham gia trận bóng
Không những là môn thể thao mang lại bổ ích cho sức khỏe và tinh thần, bóng đá mang đến nhiều niềm vui, trở thành nhịp sống lành mạnh của các bạn trẻ, em nhỏ ở quê nói chung, huyện miền núi Tri Tôn nói riêng. "Từ lúc mở sân bóng đá đến nay, hầu như ngày nào em cũng đến vui chơi cùng các bạn. Thi đấu ở đây em cảm thấy rất vui. Các bạn thi đấu không quan trọng thắng thua, tâm lý rất thoải mái” - em Chau Chênh (học sinh lớp 9, Trường THCS Núi Tô) chia sẻ.
Mặt trời khuất núi cũng là lúc trận bóng “siêu kinh điển” kết thúc. Không có đội chiến thắng, chỉ có tiếng cười giòn giã xua tan cái mệt mỏi, căng thẳng của một ngày mệt mỏi. Trên sân đất ruộng ấy, từng ngày nuôi dưỡng ước mơ được trở thành cầu thủ, được thi đấu trên sân đấu chuyên nghiệp sau này…
ĐỨC TOÀN