Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi THCS Vân Côn (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Lê Vân.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đầu tiên là thí sinh phải rà soát kết quả điểm học bạ. Cụ thể, từ ngày 1 - 18/7, thí sinh (trừ các thí sinh đã và chưa tốt nghiệp các năm trước) sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập (học bạ) cấp THPT trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và phải phản ánh lại với thầy, cô có trách nhiệm nơi thí sinh học THPT để sửa sai (nếu có).
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trung cấp (thí sinh tự do), nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thông tin cá nhân trên hệ thống phải thực hiện việc đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Từ ngày 12 - 18/7, thí sinh phải tải mẫu phiếu đăng ký thông tin cá nhân (Phụ lục V) và kê khai thông tin trên phiếu; nộp phiếu tại điểm tiếp nhận (theo quy định và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi thí sinh thường trú) để nhận thông tin tài khoản phục vụ công tác tuyển sinh.
Đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, thí sinh phải nộp lệ phí mới được chấp nhận. Lệ phí đăng ký xét tuyển năm nay là 20.000 đồng/nguyện vọng, giảm 5.000 đồng so với năm trước.
Thí sinh từ Huế trở ra sẽ chuyển khoản lệ phí xét tuyển cho Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Thí sinh từ Đà Nẵng trở vào chuyển khoản cho Học viện Bưu chính viễn thông tại TP Hồ Chí Minh. Hai đơn vị này sẽ tiếp nhận và điều phối kinh phí cho bộ, sở và các trường đại học.
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 có 879.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, trong khi chỉ tiêu tuyển của các trường là 550.000. Số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh so với 790.000 thí sinh năm 2021 và 650.000 của năm 2020.
Theo LV (Báo Tin Tức)