Nỗ lực đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

29/06/2020 - 05:22

 - Do thời gian dịch bệnh COVID-19 kéo dài, 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không tổ chức các đợt giới thiệu hoặc phiên giao dịch việc làm. Mọi hoạt động đến nay chỉ mới khởi động trở lại và bắt đầu tăng cường nhằm nỗ lực đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp Tỉnh đoàn An Giang tổ chức Ngày giao dịch việc làm quý II-2020, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) tiếp cận và tra cứu thông tin về việc làm trống, thông tin tuyển sinh học nghề, thông tin chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hướng dẫn đăng ký tìm việc làm và tiếp xúc với nhà tuyển dụng qua internet cùng Cổng thông tin điện tử việc làm An Giang.

Anh Lưu Thanh Bình (Phó Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh đoàn An Giang) cho biết, tại ngày giao dịch, đã có 67 doanh nghiệp (DN) tham gia và 400 người đến giao dịch, tư vấn. Qua đó, có 5 lao động đăng ký xuất khẩu lao động, 100 lao động phỏng vấn trực tiếp với DN và đặt lịch hẹn phỏng vấn. Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ duy trì trở lại việc định kỳ hàng tháng tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên và NLĐ.

Bạn Nguyễn Quý Bình đến tham gia giao dịch việc làm cho biết, sau dịch bệnh, người thất nghiệp gia tăng khá nhanh, cả lao động ngoài tỉnh cũng đổ xô về quê. Không giống như dịp Tết hay mùa hè, lao động thường lên các tỉnh, thành phố lớn để tìm việc làm.

Tuy nhiên, hoàn cảnh chung hiện nay ở đâu cũng khó, bạn hy vọng tìm được một chỗ làm phù hợp với khả năng cùng mức thu nhập đủ trang trải cho gia đình.

Điều mà Quý Bình còn “e ngại” là đi làm xa nhà, các chế độ trong môi trường lao động không được như cam kết từ DN, do đó, dù đang cần việc làm, bạn vẫn còn cân nhắc tìm hiểu nhiều nguồn và nhờ các chuyên viên tư vấn.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành cho hay vừa phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành lớp kỹ thuật may công nghiệp cho 105 lao động nông thôn.

Trong 1 tháng, học viên đã được trang bị kỹ năng cơ bản về cắt, may công nghiệp, tiếp cận và sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị chuyên dùng của dây chuyền sản xuất may công nghiệp, hướng dẫn cắt, ráp hoàn chỉnh sản phẩm may mặc.

Hiện nay, trung tâm đang tổ chức tiếp 2 đợt dạy nghề theo đơn đặt hàng của các công ty, bình quân mỗi công ty trên 100 lao động.

Nhờ lợi thế trên địa bàn có Khu công nghiệp Bình Hòa, số lao động trung tâm tổ chức đào tạo chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng của các DN tại đây. Ngoài ra, các xã đang mở lớp cho lao động địa phương như: xây dựng dân dụng, chăn nuôi, may công nghiệp, làm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp…

Theo đánh giá của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng đến công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm nhưng tình hình chung không đến nỗi, đơn vị vẫn nỗ lực trong 6 tháng còn lại để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Kế hoạch trong năm nay, huyện Châu Thành sẽ đào tạo nghề cho 1.100 lao động, bao gồm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Trong khi đó, ở các vùng nông thôn, sau thời gian “chững” lại việc sản xuất thì tình hình hiện nay có phần khả quan hơn khi thị trường được khơi thông trở lại. Hơn 1 tháng qua, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được khôi phục, nhịp độ sản xuất ở các làng nghề, cơ sở quay về bình thường.

Tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, kể cả hợp tác xã cũng tham gia vào việc đào tạo nghề và có nhu cầu về nguồn lao động nên họ rất quan tâm đến việc mở rộng thành viên, mở rộng các dịch vụ và giải quyết việc làm, góp phần hạn chế được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn.

Điển hình tại xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn), thời gian qua, chuỗi liên kết dạy - học - làm của hợp tác xã đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nghề đan ghế nhựa đã phủ khắp 7 ấp trong xã Vĩnh Trạch với thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày/người.

Các làng nghề truyền thống cũng giữ được nhịp sản xuất và lớp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ, góp phần hạn chế thất nghiệp, tạo thu nhập ổn định đối với người theo học như: nghề mộc ở huyện Chợ Mới, nghề bó chổi ở huyện Phú Tân, nghề may mùng mền tại huyện Châu Thành…

Toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 5 trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở khác tham gia đào tạo hiện đang phát huy vai trò, tranh thủ điều kiện hoạt động trở lại các lớp dạy nghề.

Sau thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19, rất nhiều DN gặp khó do ảnh hưởng sản xuất, biến động lao động, đến nay tuyển dụng lại vẫn chưa đủ số lượng.

Để công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đạt kết quả, ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động.

Các địa phương sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm - an toàn lao động, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ, quan tâm triển khai thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ dạy nghề theo Đề án “Đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu DN giai đoạn 2017-2020 tỉnh An Giang”; theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động theo quyết định số 1593/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện thích hợp, các địa phương sẽ phối hợp tổ chức ngày giao dịch việc làm ở địa bàn, tạo điều kiện cho lao động được tìm hiểu, tư vấn, giao dịch việc làm hiệu quả.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo từng địa phương rà soát nắm nhu cầu học nghề của NLĐ, nhu cầu sử dụng lao động để giải quyết việc làm tại chỗ, nhu cầu tuyển lao động của các DN, ngành nghề cần đào tạo để thực hiện đào tạo nghề và giải quyết việc làm sát với thực tiễn...

MỸ HẠNH