Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

15/12/2021 - 06:32

 - Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, An Giang vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 2,15%, thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận, tạo đà phục hồi cho năm 2022.

Điều hành linh hoạt

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, xác định năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu của kế hoạch 5 năm (2021-2025), ngay sau hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Chính phủ, UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; ban hành Chương trình công tác năm 2021 nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH của tỉnh.

Tuy nhiên, khi đang bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, An Giang cũng như cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19. Từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4 (đầu tháng 5-2021), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.

Thị trường tiêu dùng An Giang phục hồi trở lại

UBND tỉnh đã theo dõi sát tình hình, chủ động phân tích, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19, dự báo, cập nhật, xây dựng các kịch bản tăng trưởng để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, cả trước mắt và dài hạn theo tinh thần Nghị quyết 63/NQ-CP, ngày 29-6-2021 của Chính phủ. Bên cạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh triển khai kịp thời gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới…

Tỉnh đã thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19; Ban Chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế và an sinh xã hội; triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức tốt các hoạt động rước, đón công dân An Giang về quê trong tình hình dịch bệnh…

Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu phù hợp, hiệu quả. Tiếp tục giữ ổn định thị trường hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh; triển khai hiệu quả các phương án bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu và tổ chức các kênh phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại trên thị trường để bảo vệ thị trường trong nước…

Chăm lo đời sống người dân

Trước bối cảnh khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức lễ phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Tính đến nay, Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ bằng tiền trên 80,7 tỷ đồng (cấp tỉnh tiếp nhận 40,4 tỷ đồng, cấp huyện và xã tiếp nhận trên 40,3 tỷ đồng), hỗ trợ kịp thời cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch, hỗ trợ thu mua nông sản giúp nông dân. Ngoài ra, còn vận động được hàng trăm ngàn phần quà là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; khẩu trang, nước sát khuẩn, đồ bảo hộ, vật tư y tế… để tiếp sức chống dịch.

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, công tác an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 437/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định cụ thể điều kiện, phương thức, mức hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 với 12 chính sách. Toàn tỉnh đã phê duyệt 288.083 đối tượng thụ hưởng, trong đó có 209.598 lao động tự do, 1.633 DN, 6.654 hộ kinh doanh với số tiền 401,1 tỷ đồng. Đến giữa tháng 11-2021, đã thực hiện hỗ trợ đạt 56,7% kế hoạch.

Người dân được tạo thuận lợi trong lưu thông

Bên cạnh đó, còn triển khai chi trả chế độ ưu đãi cho trên 100.000 lượt người có công và thân nhân với với kinh phí trên 130 tỷ đồng; trợ cấp quà Tết và kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) cho hơn 69.000 người có công và thân nhân với số tiền trên 40 tỷ đồng; tặng quà hơn 45.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội và ngoài cộng đồng; hỗ trợ cho trên 10.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và trẻ theo cha mẹ di cư tự phát trở về An Giang…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021-2025) nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020, đặc biệt làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến KT-XH của tỉnh. Trong điều kiện khó khăn, nhưng KTXH đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra. Năm 2021, ước tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 2,15%, tuy tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ 2020 tăng 2,46%) và thấp xa so với kế hoạch đề ra (6-6,5%) nhưng là kết quả đáng khích lệ trong khó khăn chung. Kết quả này thể hiện sự lãnh, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và toàn xã hội...

Thành quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế được duy trì trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt khá cao (tăng trưởng GRDP đạt 5,79%). Quý III-2021, do thực hiện giãn cách xã hội, tăng trưởng GRDP rơi xuống âm 6,85%. Quý IV-2021, nhờ thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kinh tế An Giang tăng trưởng trở lại, GRDP quý IV tăng trưởng ước đạt 3,68%, kéo mức tăng trưởng GRDP cả năm đạt 2,15%

 

NGÔ CHUẨN