Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Nam Bộ

07/11/2022 - 06:30

 - Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), tại công trường Trưng Nữ Vương (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa tổ chức các chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn phục vụ đông đảo nhân dân địa phương. Qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy tình yêu quê hương An Giang trong nhân dân.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Bá Trạng, hướng đến kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), đồng thời để tuyên truyền, giới thiệu, nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đồng thời, tôn vinh vai trò của nghệ sĩ, nghệ nhân đã có công đóng góp vào việc thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật này.

Theo đó, từ ngày 31/10 đến 2/11, Sở VH-TT&DL đã tổ chức thành công chương trình tái hiện, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, với chủ đề “Âm sắc phương Nam”. Chương trình diễn ra trong 3 đêm, đã lần lượt giới thiệu, trình diễn các loại hình nghệ thuật độc đáo, như: Đờn ca tài tử, hát bội và dân ca Nam Bộ.

“Âm nhạc dân tộc đã gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần của nhân dân từ thuở khai hoang mở cõi cho đến ngày nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, âm nhạc có những bước kế thừa, tiếp biến, phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của từng loại hình nghệ thuật thông qua việc bảo tồn, truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng nhiều hình thức. Trong chương trình đã tái hiện, giới thiệu đến khán giả về các loại nhạc cụ; giao lưu diễn giả, khán giả; thực hành, trải nghiệm của khán giả và biểu diễn minh họa ở các loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, hát bội, dân ca Nam Bộ” - ông Trương Bá Trạng chia sẻ.

Ngân nga điệu lý, lời ru, câu hò

Điển hình, trong đêm 2/11, với sự tham gia biểu diễn của các diễn viên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, các nghệ nhân, nghệ sĩ và giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP. Long Xuyên) đã đem đến khán giả chương trình nghệ thuật đặc sắc giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa của loại hình dân ca Nam Bộ.

Thông qua những làn điệu dân ca, những điệu lý, câu hò, lời ru, ngâm thơ, nói vè… cùng nhạc cụ dân tộc truyền thống, giúp người xem hiểu rõ hơn về dân ca Nam Bộ. Trong đó, diễn viên Kim Tuyến đã gợi cho khán giả nhớ đến lời ru của bà, của mẹ qua bài “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ” (bài hát ru Nam Bộ). Những câu hát ru ngọt ngào, đầy cảm xúc trong lời bài hát đã tạo cảm giác thân thương, gần gũi với tuổi thơ của mỗi người dân miền Tây.

Hát ru xuất hiện lâu đời trong dân gian và trở thành loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Dù hát ru không có đệm nhạc, nhưng giai điệu, âm sắc vẫn mang hồn  nhạc thổi vào từng câu hát ngân nga… “Xem tiết mục này, tôi nhớ lại hình ảnh người bà, người mẹ, người chị… đem cả tình thương gửi vào lời hát ru. Lời lẽ vừa thanh tao, vừa chân chất hiền hòa, nhưng mỗi câu hát đều chứa đựng biết bao nhiêu điều giáo huấn của người xưa đối với con cháu. Tôi cám ơn ban tổ chức đã dàn dựng một chương trình thật hay, ý nghĩa” - chị Phan Thị Ngọc Dung (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) xúc động.

Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Trước đó, đêm 31/10, khán giả được thưởng thức, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử - một trong những thể loại phổ biến nhất của dân ca Nam Bộ. Với những giá trị văn hóa dân tộc, đờn ca tài tử được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đêm 1/11, chương trình tổ chức biểu diễn nghệ thuật hát bội.

“Đây là loại hình nghệ thuật mang đậm tính tượng trưng ước lệ khi mọi dạng tính cách, hành động của nhân vật đều được mô hình hóa qua cách hóa trang, vẽ mặt và vũ đạo mà người nghệ sĩ phải “nằm lòng” trong từng vai diễn. Hát bội là bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, mang lại nhiều cảm xúc cho người thưởng thức. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn góp phần gìn giữ môn nghệ thuật ý nghĩa này” - ông Trương Bá Trạng cho biết.

Anh Nguyễn Việt Bách (đến từ tỉnh Hà Giang) cho biết: “Tôi có chuyến công tác dài ngày tại TP. Long Xuyên. Do chỗ nghỉ gần đây, nên tôi đến xem, tìm hiểu các loại hình nghệ thuật độc đáo của người dân miền Nam. Trước đây, tôi được xem các bài hát dân ca Nam Bộ, loại hình đờn ca tài tử, hát bội trên các phương tiện truyền thông, nhưng đây là lần đầu tiên được thưởng thức trực tiếp”.

“Chương trình tái hiện, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, với chủ đề “Âm sắc phương Nam” là một trong chuỗi các chương trình, hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022). Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn khắc họa sinh động nhất những nét độc đáo của nghệ thuật biểu diễn dân gian miền Nam, như: Đờn ca tài tử, hát bội, dân ca Nam Bộ… Qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian, góp phần gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - ông Trương Bá Trạng thông tin.

Rộn ràng khúc hát mừng An Giang 190 năm

Trước đó, tối 30/10, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), với chủ đề “An Giang ngày mới”. Chương trình do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh dàn dựng và biểu diễn, với các tiết mục ca múa, song ca, đơn ca, múa, ca cổ…

Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước; sự hình thành, phát triển, đổi mới của quê hương An Giang trong suốt chiều dài lịch sử 190 năm. Các tiết mục tiêu biểu, như: “An Giang 190 năm”, “Về thăm Bảy Núi”, “Dòng An Giang”, “Tiếng vọng phù nam”, “Mời anh về thăm quê em”, “An Giang quê tôi”, “An Giang đất sử ân tình”, “Thiên Cấm Sơn”, “Ngày mới trên quê hương An Giang”…

“Tôi thấy chương trình rất đặc sắc, dàn dựng công phu, với nhiều tiết mục hay, ấn tượng. Qua các tiết mục văn nghệ, tôi càng tự hào vì được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này và càng yêu quê hương An Giang hơn” - bạn Nguyễn Thị Mỹ Vân (sinh viên Trường Đại học An Giang) cho biết.

Chương trình nghệ thuật “An Giang ngày mới” và “Âm sắc phương Nam” góp phần tuyên truyền, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu biết thêm về quá trình hình thành và phát triển quê hương An Giang; đồng thời vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, khơi dậy khát vọng vươn lên của mỗi người con quê hương An Giang. Từ đó, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ, hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng An Giang 190 năm hình thành và phát triển.

THU THẢO