Ứng dụng công nghệ cao
Những năm qua, nông dân Châu Thị Nương (ngụ xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) thành công với mô hình “Nông trại trồng nấm thực phẩm và nấm dược liệu công nghệ cao”. Nhận thấy việc sản xuất lúa gặp khó khăn về giá cả, lệ thuộc vào thương lái, khiến cho gia đình chị cứ rơi vào vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá”. Do đó, chị Nương quyết tâm tìm hướng đi mới.
“Tôi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, với gần 3.200 tấm pin, tổng chi phí lắp đặt 14 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành đóng điện, gia đình đã thu về từ nguồn cung cấp điện năng lượng với kinh phí 300 triệu đồng/tháng. Chủ động được nguồn điện năng, tôi tìm tòi, nghiên cứu và tận dụng phần dưới những tấm pin năng lượng để trồng nấm nấm mối và nấm dược liệu (nấm linh chi) theo hướng ứng dụng công nghệ cao” - chị Châu Thị Nương cho biết.
Nông dân An Giang đang thực hiện mô hình nông nghiệp
Từ việc phát triển mô hình trồng nấm linh chi bằng nguyên vật liệu, như: Cám bắp, cám gạo và mùn cưa, chị Nương đã thu hoạch hơn 300kg nấm khô, bán với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg, thu về gần 500 triệu đồng trong vụ thu hoạch đầu tiên. Hiện nay, mỗi năm, gia đình chị sản xuất gần 100.000 bịch nấm linh chi, nấm mối, nấm bào ngư phục vụ thị trường.
Gần đây, chị Nương phát triển thêm mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo và thu được kết quả tích cực. Giá nấm đông trùng hạ thảo dao động trong khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Hiện nay, tổng thu nhập từ mô hình trồng nấm của chị Nương vào khoảng 800 - 900 triệu đồng/năm. Từ mô hình này, gia đình chị Nương còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương, với thu nhập khoảng 6 - 9 triệu đồng/tháng.
“Trại nấm của gia đình đã xây dựng 3 năm và sản phẩm được xuất bán ra các tỉnh, thành phố, như: Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng và thị trường trong tỉnh… Mô hình trồng nấm có chi phí sản xuất thấp, thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để được tiếp cận thêm tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm nhân rộng hoạt động sản xuất nấm theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục và sớm xem xét đánh giá công nhận sản phẩm mô hình của gia đình để đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong thời gian tới” - Chị Châu Thị Nương đề xuất.
Nông dân làm du lịch
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ TX. Tịnh Biên xác định một trong 3 khâu đột phá về kinh tế - xã hội là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kết hợp phát triển du lịch (DL). Đến nay, toàn thị xã đã chuyển đổi được hơn 4.864ha, đạt 121,6% nghị quyết. Trong đó, có hơn 600ha chuyển đổi hoàn toàn và xây dựng mô hình vườn DL tại vườn quýt Ô Một Cột (xã An Cư), mô hình vườn dâu tây ở phường Thới Sơn. Qua đó, bước đầu tạo bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển DL ở địa phương.
Là người thực hiện mô hình vườn quýt kết hợp DL sinh thái tại Ô Một Cột, anh Đỗ Thanh Toàn đã và đang thành công với mô hình này. Anh Toàn thật tình: “Lúc đầu, tôi chỉ có ý định trồng quýt để bán ở chợ như những nhà vườn khác. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu tương đối cao của du khách trong việc thưởng thức cảnh vật, cây trái và ẩm thực vườn, tôi quyết định làm DL nông nghiệp. Mục tiêu của tôi là phải khai thác tối đa lợi nhuận từ cây quýt và tận dụng ưu thế về DL của vùng đất núi non hùng vĩ. Từ khi khai trương điểm DL sinh thái Vườn Quýt, tôi thấy du khách gần xa tìm đến khá nhiều. Đa phần họ đều hài lòng khi được nếm thử các món ăn xứ vườn cũng như tham quan vườn quýt đầy trái”.
Hiện nay, quán Vườn Quýt của anh Toàn phục vụ đặc sản gà đốt lá chúc cùng các món ăn theo nhu cầu của thực khách. Ngoài ra, du khách có thể tham quan, chụp ảnh với vườn quýt và hái trái thưởng thức (nếu đúng vụ trái). Được ngắm nhìn những vườn quýt sai trái, thưởng thức món ăn dân dã ngon miệng, đa phần du khách đều thích thú với điểm DL sinh thái này. Bên cạnh đó, anh Toàn cũng có nguồn thu từ vườn quýt đường của mình với năng suất từ 12 - 16 tấn/vụ. Đồng thời, nông dân này còn xử lý kỹ thuật để đón vụ quýt Tết nhằm nâng cao nguồn thu từ mảnh vườn của mình.
Theo Hội Nông dân TX. Tịnh Biên, chủ trương của Thị ủy, UBND thị xã sẽ phát triển 3 trục DL sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, gồm: Trục Hương lộ 6 (xã An Phú), trục Hương lộ 13 (xã An Cư) và trục Nhà Bàng - Thới Sơn với đoạn từ miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp về chùa Phật Thới Sơn. Với 3 trục DL này, ngành nông nghiệp vận động các hộ dân cùng tham gia canh tác vườn cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kết hợp phát triển các dịch vụ ẩm thực để phục vụ du khách. Theo đó, mô hình của anh Toàn đang phát triển tốt và thu hút được du khách.
“Chúng tôi sẽ tích cực tham gia cùng ngành nông nghiệp và địa phương tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cây trồng phục vụ DL. Bởi lẽ, đây là hướng đi mới, phù hợp điều kiện thực tế và mang đến nguồn thu khá, giúp nông dân bớt lệ thuộc vào thương lái. Đồng thời, khẳng định được sự bứt phá về mặt tư duy của nông dân, từ suy nghĩ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập” - Chủ tịch Hội Nông dân TX. Tịnh Biên Trần Phước Hiểu thông tin.
THANH TIẾN