Nông dân Long Giang nỗ lực làm giàu

12/12/2022 - 07:04

 - Từ phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, hội viên nông dân xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa - học kỹ thuật, các mô hình mới, cách làm hiệu quả và nguồn vốn ưu đãi… Qua đó, giúp việc canh tác của hội viên ngày càng thuận lợi, đời sống nâng lên.

Nhiều giống cây trồng mới được nông dân Long Giang triển khai trong thời gian qua

Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả

Long Giang là xã thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 980ha, với 5 tiểu vùng đê bao khép kín, có thể canh tác quanh năm. Sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu là trồng lúa, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi (gia súc, gia cầm) và kinh doanh hàng nông sản...

Những năm qua, thông qua việc đẩy mạnh phong trào nông dân SXKD giỏi mà đời sống hội viên nông dân xã Long Giang ngày càng cải thiện. Hội viên nông dân xã Long Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị kinh tế và thu nhập. Từ đây, nhiều loại cây - con giống mới được đưa vào sản xuất, nhiều sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Trước đây, gia đình ông Đinh Văn Pho (ấp Long Thuận) chủ yếu canh tác lúa. Những năm gần đây do diễn biến thời tiết thất thường, sâu hại dịch bệnh thường xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Ngoài ra, do giá lúa bấp bênh, nên đời sống gia đình ông Pho gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có 5 công đất sản xuất nông nghiệp, nên thu nhập của gia đình chỉ đủ ăn. Đến năm 2014, nhờ được tham gia lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, ông Pho mạnh dạn mua 2 con bò về nuôi với giá 25 triệu đồng/con. Sau 4 tháng nuôi, ông bán được 40 triệu đồng/con, thu lợi nhuận 15 triệu đồng.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã giới thiệu vay vốn từ dự án chăn nuôi bò thịt (từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân), ông Pho đã xây chuồng và mua thêm 6 con bò về nuôi. Từ đất trồng lúa kém hiệu quả và vườn tạp xung quanh nhà, ông Pho trồng thêm cỏ và trồng bắp trắng để làm thức ăn cho bò. Sau 4 - 5 tháng nuôi vỗ béo, ông Pho xuất bán được 222 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông thu về lợi nhuận trên 70 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Pho tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, nhờ mô hình này đã giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống…

Không phát triển mô hình chăn nuôi như ông Đinh Văn Pho, ông Nguyễn Thanh Liêm (ấp Long Hưng) đã ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác lúa, giúp tăng thu nhập. Gia đình ông canh tác lúa trên diện tích 5,8ha. Diện tích này nằm trong đê bao nên có thể sản xuất được 3 vụ lúa mỗi năm. Thời gian gần đây, nhờ áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” mà việc canh tác được cải thiện rõ rệt.

Ông Liêm cho biết, đã áp dụng giảm lượng lúa giống gieo sạ còn khoảng 120kg/ha; sử dụng lúa nguyên chủng hoặc giống xác nhận. Kế đó là, giảm lượng phân bón cho đồng ruộng, cân đối theo nhu cầu phát triển của cây lúa, không bón thừa phân đạm để giảm chi phí và hạn chế sâu bệnh, góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như bảo vệ môi trường.

Theo ông Liêm, nhờ ứng dụng việc áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” đã giúp chi phí sản xuất mỗi vụ giảm 2 triệu đồng/ha, năng suất đạt từ 21 tấn/ha/năm. Mỗi năm, gia đình ông mang lại thu nhập 300-360 triệu đồng/năm. Có thu nhập tương đối ổn định, nên sinh hoạt gia đình cải thiện hơn trước, có điều kiện cho con học hành đến nơi đến chốn… Ngoài ra, ông Liêm còn dành một phần để đóng góp phúc lợi xã hội địa phương hàng năm.

Tiếp tục nâng chất phong trào nông dân giỏi

Trên địa bàn xã Long Giang còn xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có thể kể đến mô hình trồng lồng mức, thanh long ruột tím hồng, sầu riêng, rau an toàn; mô hình nuôi cá diêu hồng, nuôi lươn, nuôi cá lóc trong bể bạt… Nhiều nông dân sau khi có kinh tế ổn định đã tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Từ những kết quả trên đã khẳng định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, khích lệ hội viên nông dân phát huy tinh thần sáng tạo, cần cù lao động; dám nghĩ, dám làm, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, đẩy mạnh việc sản xuất cây trồng, vật nuôi, dịch vụ… gắn với việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn.

Từ đó, góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu của thị trường… Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân tiếp cận với các mô hình sản xuất mới, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn vay ưu đãi… để hội viên nông dân có thể phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

ĐỨC TOÀN