Nông dân ở nông thôn mới Phú Bình

03/08/2023 - 06:48

 - Xã Phú Bình (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016, đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020, đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong quá trình đó, Hội Nông dân xã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của hội viên, nông dân trong lao động sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình Nguyễn Thanh Toàn cho biết, thông qua các buổi sinh hoạt, chi hội nông dân tuyên truyền cặn kẽ về mục đích, ý nghĩa, vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nhờ đó, hội viên, nông dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp, làm mới đường giao thông nông thôn; xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, hệ thống hàng rào, cột cờ, đèn đường...

5 năm qua, họ tự nguyện hiến 1.000m2 đất, tự giác tháo dỡ công trình xây dựng để mở rộng đường làng ngõ xóm. Đồng thời, tích cực đóng góp 4 tỷ đồng và 565 ngày công lao động, cùng chính quyền địa phương xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn, công trình công cộng trên địa bàn. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn đạt 100% nhựa hóa, bê-tông hóa; trung tâm văn hóa học tập cộng đồng được đầu tư xây dựng, phục vụ hoạt động văn hóa -  văn nghệ, thể dục - thể thao của người dân.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của nông dân xã Phú Bình

“Điểm nhấn trong thời gian qua là 5 công trình do Hội Nông dân xã đăng ký thực hiện: Đoạn đường đấu nối ra Tỉnh lộ 951 (dài 170m, ở ấp Bình Phú 2); làm 12 mang cá cho nông dân vận chuyển lúa, nếp thuận lợi; xây dựng 3 đoạn đường hoa, đường quê dài (500m); sửa chữa đường kênh Xáng (dài 100m); nâng cấp đoạn đường bến đò đấu nối với đường làng nghề ấp Bình Thành (dài 120m).

Nhiều ngày liên tiếp ra quân thực hiện, mỗi công trình được bà con nông dân hưởng ứng tích cực. Đường làng ngõ xóm sau khi trồng hoa và cây xanh được họ tự giác trồng bổ sung và chăm sóc, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp” - ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết.

Thực hiện 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM nâng cao, Hội Nông dân xã Phú Bình vận động hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống. Song song với việc tuyên truyền, đơn vị phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu vay vốn, việc làm và đào tạo nghề cho hội viên, nông dân.

Cùng với đó, vận động xây 12 bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng ruộng, thành lập 6 tổ hội nghề nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi, đan bội… Hội Nông dân xã còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 359 hộ gia đình nông dân vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, tổng số tiền trên 11,7 tỷ đồng.

Những “nông dân mới” trên xã NTM đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu. Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi thu hút 1.222 hộ gia đình đăng ký thực hiện. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi lươn công nghệ cao của ông Lâm Văn Đoàn Xuân (ấp Bình Phú 1). Từ 2 bể nuôi ban đầu, hiện nay ông Xuân tăng lên 7 bể nuôi lươn thương phẩm, tổng số 16.000 con. Trong đó, lươn lớn 10 tháng đạt trọng lượng 500gr/con, lươn nhỏ trọng lượng 200gr/con.

Ông Xuân cho biết, bể lươn 20m2 nuôi khoảng 4.000 con, thu hoạch được 810kg, trừ chi phí còn lời 80 triệu đồng. Kết hợp với nuôi lươn, ông Xuân nuôi 6 mùng cá nàng hai và 2 mùng cá lóc. Các mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập cho gia đình 1 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, phải kể đến mô hình trồng chanh không hạt của ông Nguyễn Văn Lệ (ấp Bình Tây 1). Từ mảnh vườn tạp, ông Lệ cải tạo, trồng chanh không hạt giai đoạn đầu, nối tiếp xen canh sầu riêng, mở rộng quy mô trồng bưởi da xanh… Mô hình trồng nhãn xuồng của lão nông Nguyễn Văn Nhẹ (ấp Bình Thành) ứng dụng hiệu quả kỹ thuật tiến bộ (tưới phun tự động, xử lý ra trái trái vụ).

Đặc biệt, mô hình chăn nuôi cá nàng hai thương phẩm của ông Nguyễn Thanh Tùng (ấp Bình Thành) biến thách thức thành cơ hội. Khi nghề nuôi cá gặp bấp bênh đầu ra, ông nghiên cứu “giải cứu” nguyên liệu cá thương phẩm thành sản phẩm chế biến. Cơ sở Thanh Tùng hiện có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao: Cá thát lát rút xương, chả cá thát lát, lạp xưởng cá thát lát.

Những đóng góp của Hội Nông dân xã Phú Bình góp phần làm diện mạo nông thôn đổi mới. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện... Trong năm nay, xã phấn đấu thành xã NTM kiểu mẫu, hướng tới vì mục tiêu đổi mới, phát triển quê hương Phú Bình.

 “Chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, “Tương thân tương ái”, ý thức trách nhiệm cộng đồng, phối hợp các ngành, chung tay cùng cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, quyết tâm đạt được đích đến mới” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình Nguyễn Thanh Toàn chia sẻ.

HOÀI ANH