Miền Tây không có mùa thu, nhưng mùa thị tự đánh dấu sự hiện hữu của chúng bằng hương nồng nàn không lẫn vào đâu được. Ở những nơi trái thị chín, chưa kịp tìm thấy màu vàng óng ả, thì hương thị đã phảng phất khắp không gian. Chẳng mấy chốc sẽ bắt gặp bóng cây quen thuộc hay mấy sạp bán thị ven đường.
Những ngôi chùa liền kề nằm dưới chân núi Két (phường Thới Sơn, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có đến hàng chục cây thị. Nhiều cây đã ở tuổi cổ thụ, cành vươn rộng che mát cả khoảng sân.
Cây thị càng lâu năm thì thân càng cao, vỏ đen xì, làm nền cho đám lá xanh mướt và những trái thị thêm nổi bật. Thị chín ngay khi mùa mưa tới gột rửa sạch sẽ không khí oi bức lẫn bụi bặm của mùa hè.
Lấp ló dưới mấy tán lá xanh um, từng trái tròn lẳng chuyển màu vàng ươm, rụng đầy sân. Gió đẩy mùi thơm quen thuộc lan tỏa cả một vùng, ướp vào không gian ảm đạm và trầm tĩnh sau mấy cơn mưa dai dẳng.
Năm nay mưa dày, giông lốc dữ dội, thị rụng tơi tả, dân bản địa chỉ thu hoạch được số ít trái lành lặn đem bán. “Của trời cho”, nên sao cũng được! Cây thị mọc xen trên rừng được hái về, tạo thêm thu nhập hàng ngày, không mong cầu năng suất hay giá cả.
Có thời điểm, trái thị lên đến 40.000 đồng/kg. Hiện nay, giá bán chỉ còn một nửa. Trái được chia thành nhiều loại theo kích cỡ. Người khéo chọn sẽ “chấm” những trái cỡ vừa, hạt nhỏ, thậm chí không hạt. Nếu trái nhỏ quá thì ít ngọt, còn trái to thì chát, mủ nhiều…
Vỏ bên ngài của trái thị mịn như lụa, màu vàng tươi, lớp thịt trong chín mọng ngọt lịm. Nhưng “ăn mùi hương” của thị sẽ càng say mê hơn rất nhiều. Bởi vậy, loại trái này được nhiều người mua để chơi chứ không phải để ăn. Hương thơm tho rất đỗi quen thuộc ấy sẽ âm thầm tỏa từ góc nhà, cạnh cửa sổ hay trong chiếc túi vải của những cụ già.
Vì không có giá trị kinh tế, loại “trái cổ tích” này bây giờ càng hiếm, trở thành “quà quê” được bán và mua từ nông thôn đến thành thị. Màu vàng như gom hết sắc nắng và mùi hương mê hoặc của thị là một phần thân thuộc đối với rất nhiều người thuở thiếu thời.
MỸ HẠNH