Nông thôn mới ở xã Tây Phú!

29/08/2018 - 06:58

 - Là xã thuần nông, xuất phát điểm khá thấp nhưng khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Tây Phú (Thoại Sơn) đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Kinh tế tăng trưởng khá, diện mạo NT khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Và đáng tự hào hơn đó là việc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Phú chính thức được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM năm 2018.

Từ những khó khăn…

Chủ tịch UBND xã Tây Phú Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Chúng tôi xác định người dân là chủ thể, là người thụ hưởng thành quả từ xây dựng NTM. Để việc triển khai thực hiện NTM đạt kết quả cao thì người dân phải thông suốt và đồng tình hưởng ứng tích cực, vì vậy những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tây Phú đã tập trung vận động, tuyên truyền người dân hăng hái tham gia xây dựng NTM, tổ chức trên 295 cuộc họp dân với trên 11.000 lượt người tham dự. Kết hợp với tuyên truyền, cổ động trực quan, sinh động, đến nay tư duy của bà con đã có nhiều thay đổi. Người dân nhiệt tình, không ngại khó khăn, sẵn sàng cùng chính quyền địa phương góp công, góp sức xây dựng quê hương”.

Xã Tây Phú có xuất phát điểm khá thấp, đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là chuyện đê bao kiểm soát lũ chưa đảm bảo, sản xuất của bà con phụ thuộc vào thời tiết. Hệ thống cầu, đường chưa thông suốt, ảnh hưởng đến giao thương cũng như sinh hoạt của người dân… Nhưng với quyết tâm và sự chủ động cao độ của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện NTM, Tây Phú đã và đang thay đổi “bộ mặt” NT từng ngày.

Đảng ủy, UBND xã xác định cách làm phù hợp cho từng loại hình công việc, từng tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể. Xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương đã không ngừng tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn bà con tích cực áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị và chất lượng hàng hóa.

Nông thôn mới ở xã Tây Phú!

...đến chung sức xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, địa phương đã chuyển đổi đất lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng rau màu được 65,5ha, cây ăn quả được 36ha. Đã phát triển đàn bò lên 358 con, trong đó 93,66% là giống bò lai có giá trị cao. Từ năm 2016, địa phương đã tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) với diện tích 850ha (357 hộ tham gia). Qua đó, chi phí sản xuất giảm bình quân khoảng 2 triệu đồng/ha. Ngoài ra, khoảng 90% diện tích gieo trồng lúa sản xuất theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”.

Với những nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến nay, Tây Phú đã đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Về kết cấu hạ tầng, hiện đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh với phương châm: “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, từ đó các tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa. Với 5 tiểu vùng đê bao kiên cố, đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa. Các tiêu chí khác như: điện, nhà ở dân cư, trường học, giáo dục... địa phương đều đạt và vượt chuẩn theo quy định.

Với tổng kinh phí xây dựng NTM trên 116 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 16,5 tỷ đồng, cho thấy sự đồng lòng, nhiệt tình của bà con cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương theo hướng giàu đẹp. Không chỉ tích cực đóng góp tiền của, người dân còn tự nguyện đóng góp ngày công lao động, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cầu, đường, tiết kiệm kinh phí.

Ông Nguyễn Văn Nghi, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tây Phú chia sẻ: “Hàng năm, chúng tôi phối hợp UBMTTQ xã cất mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo. Thường xuyên tu sửa cầu đường, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện. Khi chính quyền địa phương cần và trong khả năng của mình, tôi đều tranh thủ hỗ trợ cả nhân lực và vật lực, mỗi năm tôi thường đóng góp các hoạt động từ thiện của địa phương từ 150 - 200 triệu đồng. Số tiền trên do vận động bà con, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Nhờ những việc làm cụ thể, đúng người, đúng chỗ nên mọi người luôn nhiệt tình ủng hộ”.

Thông qua các cuộc vận động, tuyên truyền, phần lớn người dân đều có nhận thức đúng đắn về xây dựng NTM. Mọi việc làm ở địa phương đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tạo điều kiện cho “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ đó, địa phương đã huy động được nguồn lực to lớn từ chính nơi người dân.

Chủ tịch UBND xã Tây Phú Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh: “NTM nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng phải đạt được. Với nhiều giải pháp thiết thực như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp; phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng... thu nhập người dân Tây Phú ngày càng khởi sắc. Năm 2010 chỉ ở mức 21,5 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đã tăng lên 43,67 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm xây dựng NTM; đồng thời tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu, nhất là những tiêu chí không cần vốn, thường xuyên biến động như: môi trường, bảo hiểm y tế...”.

PHƯƠNG LAN