Nữ công gia chánh “lên ngôi”

29/07/2021 - 07:12

 - Thực hiện quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những ngày này, cũng là dịp để nhiều phụ nữ tự nấu ăn ở nhà. Việc có thêm thời gian cho gia đình là cơ hội để chị em trổ tài bếp núc. Với họ, bữa cơm gia đình mùa dịch COVID-19 có thể đơn giản nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng.

Tận dụng những ngày thực hiện quy định giãn cách xã hội, thay vì buồn rầu, chán nản vì việc đi lại bị hạn chế, chúng ta hãy chọn cách sống lạc quan, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhà nước. “Chống dịch như chống giặc”, đất nước đang trải qua thời điểm khó khăn khi phải chiến đấu với “giặc vô hình” là dịch bệnh COVID-19. Lúc này đây, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần vì Tổ quốc, vì đồng bào… hãy ở yên tại nhà thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội.

Dẫu bị hạn chế nhưng mọi người cần tuân thủ các quy định của giãn cách xã hội, thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế thì cuộc sống của chúng ta sẽ nhanh trở lại trạng thái bình thường mới. Cũng trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người tận dụng thời gian để sắp xếp, làm những công việc trước đây bản thân chưa từng hoặc không có thời gian vì công việc bộn bề, như: tập luyện thể thao tại nhà để rèn luyện sức khỏe, đọc thêm nhiều quyển sách hay, ý nghĩa hoặc học nấu ăn… Tuy là cách “sống chậm” ngoài ý muốn, nhưng qua đó giúp tinh thần chúng ta lạc quan, suy nghĩ tích cực hơn để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Nấu ăn vẫn là cách nhiều chị em lựa chọn nhất trong thời gian giãn cách xã hội. Quả thật, khi lướt các trang mạng xã hội, dễ dàng thấy chia sẻ các chị em đăng hơn 1 tuần qua là món ăn hay công thức chế biến món ăn. Nhiều người ít khi nấu nướng, giờ họ cũng không tin mình đã quen vào bếp hoặc các món ăn ngày thường chưa từng suy nghĩ đến nay đã có thể làm được. Những món ăn đơn giản, không cầu kỳ nhưng lạ thay lại có thể làm nhiều chị em “vui đến không tưởng”.

Có lẽ cái sự vui ấy xuất phát từ lời khen của chồng, các con hay các thành viên khác trong gia đình. Nhưng vui nhất vẫn là khi nhìn thấy các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, cùng nhau ăn bữa cơm gia đình trọn vị mẹ nấu hay vợ nấu, dẫu có đơn giản hơn ngày thường nhưng ấm áp tình cảm gia đình. Dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống nhiều người, khiến những điều tưởng chừng như bình thường nhất như bữa cơm nhà trở thành nỗi lo cho nhiều mái ấm.

Vốn là người bận rộn với công việc, hiếm lắm mới có ngày cuối tuần rảnh rỗi nên chuyện bếp núc ngày thường chị Thu Quyên (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) không mấy bận tâm. Nay có thêm thời gian do giãn cách xã hội, là dịp để chị Quyên dành nhiều thời gian cho gia đình nhỏ của mình, nhất là chuyện “nữ công gia chánh”. “Giờ, tôi đi chợ mua luôn thức ăn cho 2-3 ngày. Không phải với suy nghĩ dự trữ thức ăn mùa dịch mà muốn hạn chế ra chợ, nơi đông người nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình. Hạn chế ra ngoài vì dịch bệnh, mọi người đều có thời gian ở nhà nhiều hơn. Thế nên, bữa cơm gia đình được chăm chút hơn.

Ngoài những món canh, xào, chiên, kho… học được trên mạng, tôi còn “trổ tài” làm các loại bánh, như: bánh flan, bánh chuối hấp, rau câu… Tuy có hơi vụng về nhưng sau đó cũng thành công. Tuy có mệt do đứng bếp chưa quen, cộng với mùi thức ăn, hơi nóng của bếp lò nhưng mỗi khi thấy chồng, con ăn khen ngon là tôi lại quên hết những mệt nhọc. Đó cũng là động lực để tôi nấu nướng, giữ lửa gian bếp nhà mình”- chị Quyên bày tỏ.

Nấu nướng quả thật không khó, trái lại còn mang đến niềm vui cho người nấu và người thưởng thức - một tinh thần lạc quan rất cần trong mùa dịch căng thẳng như lúc này. Chính vì vậy, đây là dịp để các chị em chăm sóc tốt hơn cho các thành viên trong gia đình bằng “thế giới ẩm thực” của mình. Với các chị có điều kiện, các món ăn được nghiên cứu kỹ, đầy đủ dinh dưỡng, chế biến cầu kỳ và được trình bày đẹp mắt hơn. Hoặc chỉ cần đích thân vào bếp, mang cả tấm lòng chế biến món ăn cho gia đình thôi cũng đã thấy đong đầy hạnh phúc.

“Thời gian ở nhà nhiều, tôi học cách nấu ăn, làm thêm nhiều món ăn mới cho gia đình, có ích hơn việc “giết thời gian” bằng việc lướt web, lên các trang mạng xã hội. Đó là cách vừa nâng cao tay nghề nấu ăn lại giúp giảm căng thẳng hiệu quả”- chị Lê Thị Bạch Ngọc (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ.

PHƯƠNG LAN