Nước mắt trong trang hồi ký

05/07/2023 - 06:42

 - Nếu có dịp đọc cuốn hồi ký hơn 400 trang “Chuyện kể thời chiến” của đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí (tên thân mật là ông Hai Trí, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), độc giả sẽ chìm đắm trong những con chữ thấm đẫm nước mắt. Từng chữ, từng câu chuyện giúp mọi người hiểu sâu sắc rằng, chiến tranh đâu phải trò đùa!

“Trong những năm đất nước chiến tranh, tôi cùng đồng đội chiến đấu trên khắp chiến trường tỉnh An Giang, tham gia nhiều trận đánh, thắng thua đều có. Trong những đêm không ngủ, tôi thấy các anh, các chị như thức cùng mình, vẫn ngày nào bên tôi trên chiến trường khói lửa, dẫu đã lùi xa mấy chục năm rồi.

Công ơn của các anh, các chị không có một thứ vật chất nào sánh bằng, cuộc sống của ngày hôm nay là nhờ xương máu của các anh, các chị đổ xuống ngày trước. Trong nỗi nhớ và niềm biết ơn sâu sắc ấy, tôi chỉ viết lại những ký ức của mình” - ông Hai Trí trăn trở khi nhắc đến quyển hồi ký.

Có nhiều câu chuyện vui đời binh nghiệp được ông nhớ lại, như “Giấy khen đầu tiên”. Ngày 15/4/1969, cha mẹ đồng ý, ông ôm nốp vào căn cứ B1, xin theo phục vụ Tiểu đoàn 3 (nay là Tiểu đoàn 510). Ngày 6/6, đại đội 1 - Tiểu đoàn 510 đánh địch đóng đình Đồng Đức. Đây cũng là trận đầu tiên của ông, nhiệm vụ là chạy liên lạc từ tiểu đoàn đến đại đội.

“Súng của địch từ bên trong đồn bắn ra đỏ lửa; lệnh của tiểu đoàn phát ra, tôi chạy đi truyền đạt mệnh lệnh 3 lần, đạn bay trúng rách áo mà tôi không hay. Sáng hôm sau, tôi với Nghiệp đi tắm, cởi áo giặt mới thấy áo lủng 2 lỗ. Chưa nghĩ là trúng đạn, tôi đưa áo cho Nghiệp coi. Nghiệp nói: “Ê dấu này là dấu đạn nghen. Trời đất, còn một tấc nữa đạn lấy mạng rồi”. Trận này, đơn vị đánh không thắng, tuy nhiên tôi vẫn được Tiểu đoàn trưởng tặng giấy khen vì dũng cảm, là tấm giấy khen đầu tiên của cuộc đời binh nghiệp…”.

Ông Hai Trí (phải) và nhà văn Lê Quang Trạng trong ngày cuốn sách được xuất bản

Chuyện vui ít ỏi còn nằm ở “Hội nghị chiến sĩ thi đua”, kể về mối tình son sắt của vợ chồng ông. Còn lại, chồng chất trong hồi ký là những âm vang hào hùng của nhiều trận đánh lớn nhỏ ông từng tham gia; là nước mắt chảy ngược khi chứng kiến đồng đội lần lượt hy sinh. Trong phần “Đệ tử ông hy sinh rồi”, ông kể, ngày 7 - 28/4/1975, trong 21 ngày đêm, chỉ vài hôm nữa độc lập toàn thắng, Tiểu đoàn 512 đánh khu vực Thanh Bình, Đại đội 1 hy sinh 11 đồng chí.

“Dẫu biết rằng, chiến tranh xảy ra thì hy sinh là điều không tránh khỏi, nhưng sao lòng tôi như se thắt. Có lẽ thoát ly gia đình từ hồi còn nhỏ, lớn lên bên anh em đồng đội, cái tình đồng chí đã hóa thành tình cảm gia đình tự bao giờ. Nên khi ai mất đi, lòng tôi đau chẳng khác gì mất anh em, cha mẹ. Các anh em thường nói, chiến đấu phải có hy sinh, nhưng hy sinh nhiều quá thì sao không xót xa. Làm chỉ huy phải biết quý xương máu của đồng đội mà dâng cao ý chí, quyết đánh thắng giặc mà cũng quyết bảo vệ xương máu anh em! Có gì bằng mạng sống con người”!

Hòa bình lập lại, rời bỏ chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, ông Hai Trí bắt đầu một hành trình mới: Vạn lý tri ân. “Tôi còn sống đến ngày nay là quá may mắn và hạnh phúc hơn các anh vạn lần. Để đền ơn các anh và chia sẻ gia đình liệt sĩ mấy chục năm mòn mỏi trông tin mồ mả các anh, tôi có một ước muốn: Đi tìm hài cốt các anh còn nằm đâu đó “đợi chúng tôi đến tìm”, đem về quê cha, đất mẹ để các anh được mồ yên, mả đẹp và tiện bề thăm viếng. Mà chờ đến tuổi nghỉ hưu thì phải mất hơn chục năm nữa, đến lúc đó còn sức đâu đi tìm. Trăn trở nhiều đêm, chỉ có cách “treo ấn từ quan”, nghỉ sớm khi còn sức. Đi càng sớm càng tốt” - ông dứt khoát.

Sau thời gian dài lặn lội trở lại chiến trường xưa, kết quả thì nhiều, mà gian nan đâu ít. Không cách nào khác ngoài sự can thiệp của nhà nước. Ông bạo dạn viết thư cho thượng tướng Phạm Thanh Ngân - lúc này là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Không lâu sau, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã sang gặp gỡ với Campuchia, để nước ta sang tìm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam. Chỉ hơn 1 tháng sau, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9 thành lập 4 đội đi tìm hài cốt: Đội K90 Quân khu 9, Đội K91 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, Đội K92 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp và Đội K93 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang. Được mời theo Đội K93, ông đồng ý ngay! Ông khăn gói lên đường đi theo đội, ròng rã 20 năm...

Ông Hai Trí ấp ủ suốt 4 năm trời, đến tháng 4/2023, cuốn hồi ký mới đến tay chúng tôi. Cuốn sách ấy có sự giúp sức của nhà văn Lê Quang Trạng. “Trước đây, vài lần tôi đến nhà bác Hai Trí hỏi thăm một số tư liệu viết truyện ngắn về đề tài lực lượng vũ trang, tôi thấy thật sống động và giá trị. Tôi ngỏ lời muốn bác Hai Trí viết lại thành quyển hồi ký lưu giữ tư liệu đầy giá trị lịch sử này, cũng như để thế hệ sau biết về một thời hào hùng của quân và dân An Giang. Bên cạnh sự gợi ý của tôi, nhiều cô chú đồng đội, nhà báo và gia đình bác Hai Trí cũng nhiệt tình ủng hộ. Tôi được may mắn, vinh dự là người hỗ trợ bác Hai Trí biên tập, thực hiện thủ tục để quyển sách được ra đời trọn vẹn!” - Lê Quang Trạng bày tỏ.

Với nhà văn trẻ Lê Quang Trạng nói riêng, với độc giả nói chung, những tư liệu và tình cảm của vị đại tá anh hùng dành cho trang viết thực sự lan tỏa, hấp dẫn, như đang chứng kiến từng giọt mồ hôi, từng dòng máu đổ của ông Hai Trí và đồng đội vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trang viết cho chúng tôi một góc nhìn mới, tiệm cận hơn với lịch sử, mở ra niềm tự hào, lòng trắc ẩn về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với thành quả mà thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.

Từ năm 1969 - 2020, ông Hai Trí được nhận hơn 100 khen thưởng các loại, như: 22 giấy khen; 44 bằng khen; 5 danh hiệu dũng sĩ; 13 năm Chiến sĩ thi đua (trong đó, năm 1976 Chiến sĩ quyết thắng cấp Quân khu; năm 1979 Chiến sĩ quyết thắng Bộ Quốc phòng)… Năm 2007, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 GIA KHÁNH