Văn hóa Óc Eo là thuật ngữ khoa học để chỉ một nền văn hóa khảo cổ, hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, có thể kéo dài đến đầu thế kỷ thứ VIII ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Mekong, thuộc vùng đất Nam Bộ của Việt Nam ngày nay. Đây là nền văn hóa vật chất của Vương quốc Phù Nam, một nhà nước sớm ở Đông Nam Á, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực và Châu Á từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nền văn hóa này có nguồn gốc bản địa, được hình thành trên nền tảng văn hóa Tiền Óc Eo.
Với giá trị đặc biệt và tầm vóc lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”. Tháng 12/2016, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chính thức khởi động đề án với sự tham gia của Viện Nghiên cứu kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Từ năm 2017 - 2020, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê với quy mô lớn, có diện tích trên 16.000m2 tại 2 khu vực cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê, với 8 địa điểm: Gò Giồng Cát, gò Giồng Trôm, gò Óc Eo, Lung Lớn (cánh đồng Óc Eo), gò Sáu Thuận, gò Út Trạnh, chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc (núi Ba Thê).
Các di vật về nền văn hóa Óc Eo được tìm thấy ở Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê
Kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng, như: Kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức bằng đá quý, thủy tinh và bằng vàng.
Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh. Nguồn tư liệu quan trọng này đã góp phần minh chứng thuyết phục rằng, văn hóa Óc Eo đã tồn tại gần 8 thế kỷ (từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ VIII), trong đó thế kỷ IV - VI là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của đô thị cổ Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, kết quả khai quật tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của đô thị cổ trên cánh đồng Óc Eo, vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ.
Trong đó, Ba Thê đóng vai trò là trung tâm tôn giáo lớn trong đô thị, còn Óc Eo là trung tâm đô thị hay thành phố ven biển, kết nối với biển Tây Nam thông qua Nền Chùa (Kiên Giang) và các tuyến thủy lộ trong vùng. Đây là đô thị có vai trò rất quan trọng trong hệ thống thương mại quốc tế. Những phát hiện mới về đồ gốm nước ngoài tại di tích Nền Chùa, Lung Lớn và gò Giồng Cát, với những đồ gốm đến từ La Mã (thế kỷ II), Ấn Độ (thế kỷ I - VI), Trung Quốc (thế kỷ II - VII) và Tây Á (thế kỷ VIII) đã minh họa rõ ràng mối quan hệ xuyên đại dương, cung cấp cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt và bao quát hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa của đô thị Óc Eo trong lịch sử.
Phân tích các vi chất thực vật thu được từ bề mặt của các công cụ bàn nghiền Óc Eo, các nhà nghiên cứu đã xác định 717 hạt tinh bột, trong đó có 604 hạt có thể xác định được loài, trong đó có gia vị được cho là có nguồn gốc Nam Á, Đông Nam Á hải đảo, bao gồm: Nghệ, gừng, đinh hương, nhục đậu khấu, quế...
Đây là phát hiện quan trọng về “con đường gia vị” trong văn hóa Óc Eo, gợi ý đến khả năng những thương nhân hoặc du khách Nam Á đã mang truyền thống ẩm thực này vào Đông Nam Á trong thời kỳ có những tiếp xúc thương mại hàng hải ban đầu qua Ấn Độ Dương, bắt đầu từ khoảng 2.000 năm trước. Bằng chứng này góp phần chứng minh rằng, con đường thương mại thời cổ đại đã đi từ Ấn Độ băng qua eo Kra, nơi miền Nam Thái Lan rồi sang Óc Eo, trong đó gia vị là một mặt hàng quan trọng.
Các kết quả nghiên cứu và những nhận định khoa học của các chuyên gia, nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế là bằng chứng khoa học quan trọng, là các nguồn tư liệu vật chất rất xác thực, góp phần minh chứng và làm sáng rõ hơn vị trí, vai trò và các giá trị cơ bản của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam. Đặc biệt, góp phần cung cấp nhiều tư liệu khoa học quan trọng, thiết thực trong việc nghiên cứu xây dựng nội dung hồ sơ khoa học đề cử UNESCO xem xét công nhận Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.
TRỌNG TÍN