Ông Gordon Moore - người sáng lập tập đoàn Intel - qua đời ở tuổi 94

25/03/2023 - 19:55

Ông Gordon Moore là người tiên phong trong ngành công nghiệp bán dẫn và được xem là "một người khổng lồ," đặt nền móng để các công ty sản xuất ra những con chip ngày càng mạnh mẽ.

Ông Gordon Moore được coi là người người tiên phong trong ngành công nghiệp bán dẫn. (Nguồn: Bloomberg)

Công ty Intel thông báo nhà đồng sáng lập của họ - ông Gordon Moore - đã qua đời ngày 24/3 tại nhà riêng ở Hawaii (Mỹ) bên cạnh những người thân trong gia đình, hưởng thọ 94 tuổi.    

Ông Moore đạt học vị Tiến sỹ ngành vật lý và hóa học năm 1954 tại Học viện Công nghệ California.

Ông là người tiên phong trong ngành công nghiệp bán dẫn và được xem là "một người khổng lồ" trong quá trình chuyển đổi công nghệ của thời hiện đại, đặt nền móng để các công ty sản xuất ra những con chip mạnh mẽ hơn bao giờ hết và chiếc máy tính cá nhân ngày càng có kích thước nhỏ gọn.

Ông Moore đồng sáng lập Intel vào tháng 7/1968 và từng giữ chức chủ tịch, giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty có trụ sở tại Santa Clara, bang California, trước khi nghỉ việc tại đây vào năm 2006.

Intel nổi tiếng về những sự đổi mới liên tục và phát triển để trở thành một trong những công ty lớn nhất, quan trọng nhất về công nghệ trên toàn cầu.

Ông Moore đã giúp Intel trở thành một trong những hãng sản xuất sản phẩm bán dẫn lớn nhất thế giới. Công ty này cung cấp bộ vi xử lý cho khoảng 80% máy tính cá nhân trên toàn cầu.

Trong một bài báo viết năm 1965, ông Moore nhận xét rằng nhờ những cải tiến trong công nghệ, số lượng bóng bán dẫn trên vi mạch đã tăng gần gấp đôi mỗi năm, kể từ khi mạch tích hợp được phát minh vài năm trước.

Ra đời 20 năm trước cuộc cách mạng máy tính cá nhân (PC) và hơn 40 năm trước khi Apple ra mắt iPhone, bài báo của ông Moore nêu rõ: “Các mạch tích hợp sẽ dẫn đến những điều kỳ diệu như máy tính gia đình - hoặc ít nhất là các thiết bị đầu cuối được kết nối với máy tính trung tâm - điều khiển tự động cho ôtô và thiết bị liên lạc di động cá nhân."

Sau bài báo này, các con chip trở nên hiệu quả hơn và rẻ hơn gấp nhiều lần, giúp thúc đẩy phần lớn tiến bộ công nghệ của thế giới trong nửa thế kỷ và cho phép sự ra đời của không chỉ máy tính cá nhân mà cả Internet và "những người khổng lồ" ở Thung lũng Silicon như Apple, Facebook và Google.

Trong suốt cuộc đời mình, ông Moore đã quyên góp hơn 5,1 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện thông qua Quỹ Gordon và Betty Moore, do ông thành lập cùng vợ là bà Betty (72 tuổi).

Năm 2002, ông cũng đã được Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush trao Huân chương Tự do.

Ông Harvey Fineberg - Chủ tịch của Quỹ Gordon và Betty Moore - cho biết: “Mặc dù ông chưa bao giờ khao khát trở thành một người mà mọi gia đình đều biết đến, nhưng tầm nhìn của Gordon và sự nghiệp của ông đã tạo ra sự đổi mới phi thường và những phát triển công nghệ định hình cuộc sống hằng ngày của chúng ta.”

Trong khi đó, ông Pat Gelsinger - Giám đốc điều hành của Intel - cho biết: “Ông ấy đã có công lớn trong việc tìm ra sức mạnh của bóng bán dẫn, đồng thời truyền cảm hứng cho các nhà công nghệ và doanh nhân trong nhiều thập kỷ. Ông ấy để lại một di sản đã thay đổi cuộc sống của mọi người trên hành tinh. Ký ức về ông sẽ sống mãi.".

Theo THANH PHƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)