Phía trước bản Pác Rằng là cánh đồng nhỏ hướng ra Quốc lộ, sau lưng là những ngọn núi đá hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh tạo nên cảnh quan thanh bình, xanh mát. Đây là nơi cư trú của 51 hộ gia đình dân tộc Nùng An, với khoảng hơn 250 nhân khẩu.
Ngay khi tới đầu bản, du khách đã có thể nghe thấy tiếng quai búa nhịp nhàng, bởi hiện nay, phần lớn các hộ gia đình nơi đây vẫn còn duy trì nghề rèn truyền thống.
Bản Pác Rằng, thuộc xã Phúc Sen, tỉnh Cao Bằng. Phía trước bản là cánh đồng nhỏ, sau lưng là những ngọn núi đá hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh xanh mát.
Điều dễ nhận thấy nhất khi tới bản Pác Rằng là các hộ gia đình vẫn lưu giữ được kiểu kiến trúc nhà sàn gỗ truyền thống kết cấu 2 tầng. Tầng một là chuồng trại gia súc, công trình vệ sinh, phía bên là lò rèn.
Tầng 2 là không gian sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình, gồm: Các phòng ngủ, gian tiếp khách và bếp được bố trí khoa học và hợp vệ sinh. Tầng lửng được dùng làm kho chứa nông sản.
Tại Pác Rằng vẫn lưu giữ được kiểu kiến trúc nhà sàn gỗ truyền thống kết cấu 2 tầng.
Không gian sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình được đặt ở tầng 2. Tầng lửng được dùng làm kho chứa nông sản.
Bà con trong bản vẫn duy trì những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Những người phụ nữ trong bản tự tay dệt và nhuộm vải để may thành trang phục, những người đàn ông trai tráng vẫn cặm cụi bên lò lửa duy trì nghề rèn truyền thống.
Những người phụ nữ vẫn mặc trang phục truyền thống do mình tự dệt và nhuộm.
Những người đàn ông vẫn miệt mài bên lò rèn truyền thống.
Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự hiền lành, thân thiện và cần cù lao động của người dân địa phương, đặc biệt là những người cao tuổi trong bản. Du khách cũng có thể ở lại trong bản, cùng lao động ngoài cánh đồng, cùng nấu nướng và chứng kiến những tập quán sinh hoạt thường nhật của người dân.
Pác Rằng là một trong số những điểm du lịch cộng đồng đã và đang được đưa vào vận hành khai thác hiệu quả, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại tỉnh Cao Bằng.
Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống...
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hằng năm, mời các nghệ nhân tham gia hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, chương trình quảng bá, hội chợ xúc tiến du lịch trong vùng và quốc gia.
Đặc biệt, dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) dự kiến sẽ khởi công trong quý II-2022 sẽ mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Cùng với các giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng, chú trọng đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các sản phẩm nghề truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Thông qua phát triển du lịch cộng đồng tạo dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng với các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, đặc trưng riêng biệt, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sinh kế bền vững cho người dân...
Theo Dân Trí