Ung thư hắc tố da (Melanoma) là ung thư da nguy hiểm nhất vì có nguy cơ lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Các khối u trông giống nốt ruồi thông thường.
Trong khí đó ung thư biểu mô vảy hoặc ung thư biểu mô đáy biểu hiện bằng những vết loét, mảng sẫm màu, ngứa, đóng vảy và chảy máu, nhưng đôi khi, triệu chứng xuất hiện lành tính hơn.
Trên thực tế, bạn có thể nhầm lẫn ung thư biểu mô vảy hoặc ung thư biểu mô đáy với vết phát ban.
Cách phân biệt ung thư da với vết phát ban
Tiến sĩ Derrick Phillips, người phát ngôn của Tổ chức Da liễu Anh, giải thích, ung thư biểu mô tế bào đáy phát sinh do tiếp xúc với tia UV có hại từ mặt trời. Triệu chứng là những khối u nhỏ, màu đỏ trên da. Theo thời gian chúng sẽ loét và bắt đầu chảy máu.
Vị tiến sĩ cho biết dạng ung thư da phổ biến này có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật da và việc phát hiện sớm thường sẽ để lại vết sẹo nhỏ hơn.
Tổ chức Da liễu Anh cho biết thêm, một số trường hợp ung thư biểu mô tế bào đáy có thể xuất hiện vết màu đỏ có vảy trên da. Hầu hết đều không đau nhưng có thể ngứa hoặc bắt đầu chảy máu nếu người bệnh chạm phải vật gì đó.
Ung thư biểu mô tế bào vảy cũng có thể bộc lộ các biểu hiện khác nhau. Hầu hết đóng vảy, thô ráp và bắt đầu ở lớp ngoài của da. Tiềm ẩn một vết loét dễ chảy máu bên dưới lớp vảy. Vết loét có thể đau và mềm.
Cách nhận biết sớm dấu hiệu ung thư da
Theo bài viết trên Website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, khác với phần lớn các bệnh ung thư khác, một số triệu chứng ung thư da có thể nhận thấy được bằng mắt thường. Cụ thể:
- Da thô ráp, sờ thấy sần sùi và đóng vảy, màu nâu và dần chuyển sang hồng đậm. Trong trường hợp những dấu hiệu này nằm ở đầu, mặt, hai cánh tay thì bạn nên đi khám sớm. Đây có thể là triệu chứng của căn bệnh dày sừng, được biết đến như một trong những tổn thương tiền ung thư da.
- Bạn cũng có nguy cơ mắc ung thư da nếu phát hiện thấy nốt u tròn hơi mềm, có hình dạng tròn như ngọc, trong mờ, độ bóng giống sáp, dễ nhầm lẫn với mụn nhưng ở giữa lõm và không có nhân. Bên cạnh đó, vùng da bị tổn thương cũng dễ chảy máu hoặc nhìn thấy được các tia máu nhỏ gần bề mặt da.
- Ung thư da cũng có thể được nhận biết thông qua những vùng tổn thương màu đỏ, cứng, dễ lõm hoặc loét ở trung tâm và có xu hướng lan rộng ra xung quanh. Đặc biệt, khu vực bị loét còn có thể phát triển thêm một vòng mô khác nằm trong khu vực ban đầu, phát triển thành một mảng rắn, giòn và có màu khác biệt, lâu ngày không lành lại.
Thông thường, hiện tượng này hay xảy ra ở mặt, tai và cách tay. Riêng những người da có màu sẫm thì tổn thương có thể phát triển tại những vùng không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Có thể nói, bất cứ ai trong số chúng ta cũng có một vài nốt ruồi trên cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng nếu các nốt ruồi thay đổi kích thước hoặc màu sắc, có thể nhói đau hoặc chảy máu khi chạm vào.
- Nếu để ý thấy trên da đột nhiên xuất hiện bất cứ đốm tối màu nào bất thường, chạm vào có cảm giác đau thì bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chính xác. Các vùng da nên được quan sát thường xuyên bao gồm lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón tay, đầu ngón chân, xung quanh âm đạo và hậu môn.
Gợi ý cách phòng ngừa bệnh ung thư da
Để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ mắc phải ung thư da, bạn nên lưu ý một số biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
- Sử dụng quần áo dài tay, mũ hoặc kính râm để bảo vệ cơ thể khỏi các tia gây hại từ ánh nắng mặt trời.
- Dùng đúng loại kem chống nắng để ngăn chặn sự hấp thụ của tia cực tím vào da, đồng thời giảm nguy cơ bị tổn thương da do ánh nắng mặt trời.
- Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc có thể gây tác dụng phụ cho da, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Khám chuyên khoa da liễu định kỳ hoặc khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ung thư da.