Phấn đấu đến năm 2025, tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình cả nước

25/09/2020 - 05:03

 - Theo Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, kinh tế An Giang tăng trưởng qua từng năm, phù hợp với nguồn lực của địa phương. Nét nổi bật là tỉnh luôn suy nghĩ tìm ra giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai, mời gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư, giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thu hút một số doanh nghiệp lớn đăng ký đầu tư lĩnh vực bất động sản, thương mại - dịch vụ, công nghiệp năng lượng tái tạo.

Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư phát triển

Trong các khâu đột phá của nhiệm kỳ qua, Chương trình nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế GRDP của giai đoạn này ở mức ổn định và hợp lý, đưa An Giang trở lại nhóm có chất lượng điều hành từ “Khá” đến “Tốt” trong xếp hạng chất lượng điều hành của cả nước. Năm 2019, PCI tỉnh An Giang đạt 66,44 điểm (tăng 2,79 điểm), xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc) và đứng thứ 6/13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL. Môi trường đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao uy tín, hình ảnh thân thiện, năng động của An Giang, từ đó đã thu hút được nhiều nguồn lực cho phát triển. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút được 310 dự án (7 dự án FDI, 303 dự án đầu tư trong nước), tổng vốn đăng ký hơn 71.000 tỷ đồng.

So với giai đoạn 2011-2015, số dự án tăng 46,2%, vốn đăng ký tăng 155,6%. Có 2.734 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, nhiều DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới, với vốn đăng ký 16.405 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, An Giang bước đầu tạo được sự tin tưởng và yên tâm cho DN, nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư tại tỉnh trong thời gian tới.

Khu du lịch hồ Ông Thoại (Thoại Sơn)

Nhìn lại những thành tựu nổi bật trong 5 năm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thông tin: “Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 502.000 tỷ đồng (tăng 17,1% so giai đoạn 2010 - 2015). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,181 tỷ USD; hàng hóa An Giang đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia. Hạ tầng thương mại, dịch vụ, hệ thống chợ, siêu thị phát triển khá đồng bộ, hiện đại, giao thương hàng hóa nhộn nhịp. Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu được đẩy mạnh. Lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng tốt và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Chương trình phát triển nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả, giảm dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ; các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực chất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hoàn thành sớm 1 năm so chỉ tiêu nghị quyết. Toàn tỉnh có 61/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 51,26% tổng số xã, tăng 48 xã so năm 2015); có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn)”.

Một góc phố đi bộ TP. Long Xuyên. Ảnh: T.H

Không chỉ vậy, thế mạnh về du lịch của tỉnh được phát huy, khi đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng du khách và doanh thu dịch vụ. Công nghiệp - xây dựng (nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo) tăng trưởng khá, nhiều DN đầu tư chế biến lúa gạo, thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tiếp tục hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân. Tỉnh luôn quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tập trung vào các lĩnh vực bức thiết, tạo động lực tăng trưởng; huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp gắn với cải thiện diện mạo nông thôn, phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.

Thu hoạch cá tra. Ảnh: T.C

Từ những bài học đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ qua, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI sẽ tiếp tục lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Trong đó, khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình cả nước.

Ảnh: THANH HÙNG

“Quan điểm phát triển của tỉnh khẳng định nông nghiệp tiếp tục là nền tảng của nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển; đồng thời, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất - kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.

Tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các khâu đột phá: đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên địa bàn” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.

GIA KHÁNH