Phản hồi ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Thúy

10/08/2024 - 11:04

 - Ngày 22/5/2024, Báo An Giang đăng tải bài viết “Cha mẹ không để lại di chúc, di sản thừa kế chia theo pháp luật” trên chuyên mục “Vấn đề bạn đọc quan tâm”. Sau đó, tòa soạn nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị Kim Thúy (chị ruột của bà Nguyễn Thị Bích Phượng, thường trú tại tỉnh Đồng Nai).

Trong đơn gửi tòa soạn Báo An Giang và trao đổi với phóng viên, bà Phượng cho biết, cha mẹ (ông Nguyễn Thành Tâm, mất năm 1990 và bà Trần Thị Vơi, mất năm 2005) có tất cả 12 người con. Sinh thời, họ tạo lập hơn 240m2 đất ở nông thôn, được UBND huyện Phú Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà Vơi. Gắn liền với đất là 2 căn nhà gỗ liền kề, quá trình sử dụng có hư hỏng, được anh em đóng góp, tu bổ, sửa chữa lại nhiều lần. Một căn do bà Phượng và ông Nguyễn Thanh Hòa (em ruột) ở, căn còn lại làm phủ thờ, có 2 ngôi mộ của cha mẹ được cải táng tại đây. Cha mẹ mất, không để lại di chúc. Năm 2021, bà Thúy khởi kiện chia thừa kế phần di sản này. Bà Thúy cùng chính quyền địa phương đã cưỡng chế, lấy hài cốt cha mẹ đi nơi khác, tháo dỡ nhà. Vì vậy, bà Phượng gửi đơn khiếu nại vụ việc.

Bà Thúy cho rằng các nội dung trong bài báo bị cung cấp sai sự thật

Cũng trong bài viết, có đoạn: “Thông tin về sự việc, bà Nguyễn Thị K.T. cho biết, trước đây, cha mẹ bà cất ngôi nhà cây gỗ, chiều ngang 10m, chiều dài 10m. Năm 1994, mẹ cất nhà tre lá ngang 3m, dài 6m. Đến năm 2005, thấy ngôi nhà xuống cấp nặng, bà mua nhà cũ gỗ thao lao, trị giá 24 triệu đồng, sau đó giao nhà cho bà Bích Phượng quản lý, trông coi. Năm 2007, khi Nhà nước mở rộng chỉnh trang lộ giới, bà đã chi trên 16 triệu đồng di dời nhà ở cặp đường của bà Phượng cất trên đất cha mẹ. Năm 2012, em trai Nguyễn Thanh Hòa bị điện giật, thường bị động kinh, người chị lớn Nguyễn Kim L. cũng về nhà cùng bà Phượng chăm lo em trai. Cuối năm 2017, bà Phượng và một số anh chị em sửa chữa lại ngôi nhà. Đến cuối năm 2018, bà lên tiếng với anh chị em, nếu đồng ý giao đất cho bà thì bà sẽ chi cho mỗi người 30 triệu đồng, cất mới nhà, nhưng các em không đồng ý, đòi nâng giá lên 100 triệu đồng... Đất là của cha mẹ để lại, đã bỏ tiền tu bổ, sửa chữa nhà, thỉnh thoảng về thăm viếng nhà nhưng bà bị lạnh nhạt, thậm chí bị xua đuổi không cho vô nhà. Bà yêu cầu pháp luật chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại”.

Sau khi bài báo được phát hành, bà Thúy khẳng định: “Nội dung bà Phượng cung cấp cho báo chí hoàn toàn không đúng sự thật (về các mốc thời gian, tình tiết vụ việc liên quan việc sửa chữa các căn nhà, cải táng hài cốt cha mẹ…). Phóng viên Báo An Giang cũng chưa từng trao đổi với tôi. Tôi là chủ sở hữu, chủ sử dụng (đã được cấp GCNQSDĐ) đối với nhà và đất tọa lạc tại xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân) theo Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 631/QĐ-CCTHADS, ngày 16/5/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Tân; Bản án dân sự sơ thẩm 24/2022/DS-ST, đã có hiệu lực. Thời gian qua, xảy ra sự việc bà Phượng nhổ mốc ranh, có ý định tái chiếm nhà, nên tôi đã trình báo sự việc với chính quyền địa phương. Trong khi đó, bà Phượng cũng trình báo vụ việc, nhưng ở góc độ khác, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của tôi. Tôi là người bỏ tiền ra xây dựng 2 căn nhà, trên dưới 600 triệu đồng, chưa kể tiền cuốn nền và bơm cát. Nhưng các thành viên trong gia đình đối xử tệ bạc, thậm chí nhiều lần hành hung tôi, nên tôi ức lòng, muốn chia tài sản cha mẹ để lại, không dính líu gì đến nhau nữa. Việc bà Phượng gửi đơn, phản ánh vụ việc đến báo chí làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của tôi”.

Qua xem xét, Ban Biên tập Báo An Giang nhận thấy, phóng viên chưa đảm bảo đúng quy trình tác nghiệp, khi không liên hệ trực tiếp với bà Thúy để ghi nhận đầy đủ ý kiến của bà về vụ việc. Phần ý kiến được cho là của bà Thúy (đăng tải trên báo), phóng viên trích từ trang 3, 4 của Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2022/DS-ST, ngày 10/2/2022 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân (tòa án tổng hợp từ đơn khởi kiện, bản tự khai; biên bản hòa giải không được; tại phiên tòa, bà Bùi Trần Phú Thư đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Nguyễn Thị Kim Thúy trình bày ý kiến). Ban Biên tập đã có hình thức xử lý đối với sai sót của phóng viên theo quy định.

Được biết, theo các bản án, quyết định của tòa án, cơ quan thi hành án, bà Thúy được chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Di sản thừa kế của ông Tâm và bà Vơi có giá trị chung gần 34 triệu đồng, được chia cho 11 kỷ phần (có 1 người từ chối nhận kỷ phần, đồng ý giao cho hàng thừa kế còn lại hưởng chung). Mỗi kỷ phần thừa kế có giá trị trên 3 triệu đồng. Bà Thúy được chia 139,2m2; bà Phượng được chia 103,5m2. Cả hai có nghĩa vụ đến cơ quan thẩm quyền kê khai, đăng ký để được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích được chia khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Đồng thời, tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thúy đối với bà Phượng về “Đòi lại tài sản”; buộc bà Phượng giao trả 1 căn nhà (dùng làm phủ thờ) gắn liền trên diện tích đất được chia 139,2m2; nội thất trong căn nhà; buộc bà Phượng trả lại cho bà Thúy giá trị của căn nhà (hiện bà Phượng đang ở) số tiền trên 147 triệu đồng. Bà Phượng được tiếp tục quản lý, sử dụng 1 căn nhà gắn liền diện tích đất được chia (103,5m2). Ngày 30/8/2023, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Tân lập biên bản giao, nhận tài sản để thi hành án. Cụ thể, bà Phượng giao trả cho bà Thúy căn nhà phủ thờ và các nội thất trong nhà. Ngày 24/10/2023, bà Thúy được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với 137,7m2 đất, theo bản án của tòa án.

PHÒNG BẠN ĐỌC