Ông Alexis Kohler, Chánh Văn phòng Tổng thống, thông báo quyết định bổ nhiệm các thành viên của chính phủ mới tại Điện Élysée. (Ảnh: BFMTV)
Như vậy, gần một tháng sau khi tái đắc cử, Tổng thống Emmanuel Macron tiến hành cải tổ nội các. Trước đó vào ngày 16/5, Tổng thống Emmanuel Macron đã bổ nhiệm bà Elisabeth Borne, Bộ trưởng Lao động, làm Thủ tướng. Đây là lần đầu tiên kể năm 1992 nước Pháp lại có một phụ nữ đứng đầu chính phủ.
Chính phủ mới có 17 bộ trưởng, 6 bộ trưởng chuyên trách và 4 quốc vụ khanh so với 42 thành viên của chính phủ cũ (16 bộ trưởng, 16 bộ trưởng chuyên trách và 10 quốc vụ khanh).
Ông Emmanuel Macron đã thực hiện cam kết đối với vấn đề bình đẳng giới thông qua việc bổ nhiệm bà Élisabeth Borne trở thành người phụ nữ thứ hai trong nền Cộng hoà thứ V nước Pháp trở thành Thủ tướng. Như vậy, kể cả Thủ tướng Élisabeth Borne, tỷ lệ nam và nữ bằng nhau trong chính phủ mới công bố ngày 20/5.
Theo quyết định bổ nhiệm được Tổng thống phê duyệt, bà Catherine Colonna, Đại sứ Pháp tại Anh và từng là Bộ trưởng đặc trách châu Âu dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, được bổ nhiệm là người đứng đầu Bộ Ngoại giao.
Ông Sébastien Lecornu, 36 tuổi, Bộ trưởng Các vùng lãnh thổ hải ngoại, được điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Quân đội thay bà Florence Parly.
Ông Bruno Le Maire, ông Gérald Darmanin và ông Eric Dupond-Moretti tiếp tục phụ trách Bộ Kinh tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp.
Tổng thống Emmanuel Macron quyết định không thay đổi nhiều vị trí trong lần cải tổ nội các này vì muốn duy trì sự ổn định và thuận lợi trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội sẽ diễn ra trong hai vòng vào ngày 12/6 và 19/6.
Cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Hơn một tuần sau khi tái đắc cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cải tổ nội bộ, đổi tên đảng "Nền Cộng hòa Tiến bước" thành đảng "Phục hưng" và lập liên minh "Chung sức" để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 tới.
Đảng cầm quyền và liên minh buộc phải giành được đa số trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội để tránh xảy ra nguy cơ "chung sống chính trị", tức là thủ tướng là đại diện của phe đối lập. Có như vậy, Tổng thống Emamanuel Macron sẽ thực hiện thuận lợi các cam kết cải cách trên nhiều lĩnh vực gồm kinh tế, hưu trí, văn hóa, nông nghiệp, quốc phòng, giáo dục, bình đẳng giới, phúc lợi xã hội… vì mục tiêu "một nước Pháp mạnh mẽ hơn."
Hai liên minh “Liên minh nhân dân xã hội và sinh thái mới” (Nupes) của cánh tả và liên minh các đảng cực hữu đang có đà thăng tiến mạnh sau cuộc bầu cử Tổng thống. Do vậy, quyết định bổ nhiệm bà Élisabeth Borne, một nhân vật được xem là thuộc cảnh tả, làm Thủ tướng là bước đi có tính toán chiến lược của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri cánh tả trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6.
Tổng thống Emmanuel Macron sẽ triệu tập cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng đặt dưới quyền Thủ tướng Elisabeth Borne vào ngày 23/05.
Theo KHẢI HOÀN (Báo Nhân dân)