Theo nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) tối 23/12, các nhà khoa học tại WIS đã phân tích dựa trên một đặc điểm chung giữa con người và loài kiến đó là khả năng hợp tác nhất quán khi vận chuyển những vật nặng vượt xa kích thước cơ thể. Đặc điểm độc đáo này đã tạo cơ sở cho một cuộc thi để đánh giá xem bên nào có thể điều khiển tốt hơn một vật nặng lớn qua mê cung.
Các nhà nghiên cứu đã áp dụng trò chơi vận chuyển đàn piano dựa trên việc lập kế hoạch chuyển động và robot, song họ thay thế một vật thể hình chữ T lớn cho đàn piano. Vật thể này phải được di chuyển qua một không gian có 3 khoang và khe hẹp. Hai mê cung được tạo ra sao cho phù hợp với kích thước của kiến, con người và các nhóm khác nhau. Vật thể hình chữ T đã được “ngụy trang” khiến đàn kiến Paratrechina longicornis lầm tưởng đó là thức ăn.
Ở thử thách cá nhân, con người tỏ ra vượt trội hơn loài loài kiến do khả năng nhận thức hạn chế của loài vật này. Tuy nhiên, trong thử thách nhóm, đàn kiến hoạt động theo chiến lược, sử dụng trí nhớ tập thể để duy trì tiến độ và tránh mắc lỗi. Ngược lại, con người không cải thiện đáng kể hiệu suất của mình. Khi giao tiếp giữa các thành viên trong nhóm bị hạn chế tương tự như cách thức giao tiếp của kiến, thậm chí hiệu suất của con người còn giảm so với các cá thể kiến riêng lẻ. Con người có xu hướng lựa chọn các giải pháp “tham lam”, không có lợi về lâu dài và ít có sự đồng thuận cao.
Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện này phản ánh đàn kiến như một gia đình với tất cả các thành viên đều có chung sở thích và là nơi mà sự hợp tác vượt trội hơn so với sự cạnh tranh.
Theo TTXVN