Nhóm khoa học gia đến từ Đại học Florida (Mỹ) vừa công bố các kết quả nghiên cứu trên mục Báo cáo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh.
Hình vẽ minh họa mô tả siêu trái đất mới phát hiện và ngôi sao chủ của nó - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
HD 26965b là một hành tinh thuộc dạng siêu trái đất, quay quanh một ngôi sao chủ tuổi đời lên đến 6,9 tỉ năm, có khối lượng bằng 78% và kích thước bằng 87% mặt trời của chúng ta.
Theo tác giả Bo Ma của Đại học Florida, bản thân HD 26965b nặng hơn trái đất ít nhất 8,4 lần. Trong hệ mặt trời HD 26965, ngoài HD 26965b còn có một ngôi sao lùn trắng và một ngôi sao lùn M4 quay quanh sao chủ.
Sở dĩ siêu trái đất này được phát hiện vì ngôi sao chủ của nó là một trong những ngôi sao kim loại sáng nhất trên bầu trời đêm. Các nhà khoa học tìm kiếm hành tinh quay quanh ngôi sao đó dựa trên các dao dộng nhỏ của ngôi sao – những dao động sẽ xuất hiện khi có một hành tinh quay quanh nó và tác động lực hấp dẫn lên nó.
Từ những dữ liệu đầu tiên thu thập về ngôi sao, các nhà khoa hoc đã phát hiện ra tín hiệu cho thấy nó đang được tác động bởi một hành tinh lớn, một siêu trái đất.
Các bước nghiên cứu sơ bộ cho thấy 1 năm trên siêu trái đất chỉ dài 42,4 ngày và nó rất có thể sở hữu một bầu khí quyển. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng nó sở hữu một thế giới tương tự Kepler-10c, một siêu trái đất với khá nhiều đá và có thể có một ít nước dưới dạng băng tuyết được phát hiện hồi năm 2011.
Tuy nhiên, Kepler-10c cách trái đất những 568 năm ánh sáng. Với khoảng cách chỉ 16 năm ánh sáng, siêu trái đất mới HD 26965 sẽ dễ dàng cho những bước nghiên cứu tiếp theo hơn nhiều.
Theo A.THƯ (Người Lao Động)