Phát huy giá trị các tư liệu, kỷ vật quý về Bác

17/05/2020 - 13:55

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) gắn với gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1901-1906.

Những ngày này, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đến thăm Khu di tích Kim Liên.

Từ năm 1956 đến nay, việc giới thiệu, trưng bày các kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai thường xuyên tại Khu Di tích này. Những kỷ vật chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc đời của Bác và trân trọng hơn những giá trị nhân văn cao đẹp mà Người truyền lại.

Hai nhà trưng bày tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên hiện có hơn 200 hiện vật, hình ảnh được sắp xếp theo hai chủ đề chính: “Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương, quê hương đối với Người”. Đây là những kỷ vật, bức ảnh tư liệu quý được các đoàn khách trong, ngoài nước, các địa phương, cơ quan, đơn vị trao tặng Khu Di tích cùng với hàng trăm trang tư liệu được cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên sưu tầm. Chính từ những kỷ vật, bức ảnh, tư liệu được trưng bày đã góp phần làm phong phú thêm các tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người sống tại quê hương và hai lần Người về thăm quê.

“Tôi thật sự xúc động khi được trực tiếp xem các hiện vật liên quan đến gia đình và cuộc đời của Bác. Việc trưng bày, gìn giữ được các hiện vật như thế này giúp du khách được xem và hiểu hơn về Bác Hồ”, bà Trần Thu Hà, du khách Vũng Tàu cho biết.

Trở lại thăm quê Bác sau 10 năm, ông Trần Văn Tùng ở Hải Phòng tâm sự: “Tôi thực sự cảm động, bởi dù đã trải qua rất nhiều năm nhưng các di tích, kỷ vật ở quê Bác đều được giữ nguyên vẹn. Nghe các câu chuyện về Người, tôi cảm nhận được cốt cách con người của Bác và những người dân nơi đây, mọi thứ đều sâu lắng. Cuộc đời Bác giản đơn, dung dị nhưng lại làm nên những điều kỳ vĩ”.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp, chỉnh lý hai nhà trưng bày tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên nhằm xây dựng Khu Di tích trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng. Đến nay, việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh lý hai nhà trưng bày đã hoàn thành và có nhiều nét mới để đưa vào sử dụng, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân.

Cụ thể, ngoài được cải tạo sửa chữa về cơ sở vật chất, hai nhà trưng bày còn được làm mới toàn bộ đai trưng bày (ốp gỗ lên tường) tài liệu và ảnh, làm lại các tủ bục để hiện vật. Nhà trưng bày thứ nhất có chủ đề chính: “Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên còn bổ sung, làm lại, phục chế, gia cố các tài liệu hiện vật. Nhà trưng bày thứ hai có chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương, quê hương đối với Người” vừa được làm lại, phục chế, gia cố các tài liệu hiện vật còn bổ sung thêm nội dung Nghệ An làm theo lời Bác, trưng bày những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng… của Nghệ An trong suốt nhiệm kỳ qua.

Hai nhà trưng bày có đặt tivi để chiếu những bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, khách tham quan tìm hiểu nhiều hơn về tư liệu Bác Hồ ngay tại quê hương Người.

Người dân đến thăm Khu di tích Kim Liên.

Trong điều kiện thời tiết ở Nghệ An hết sức khắc nghiệt, công tác bảo vệ, bảo tồn, bảo quản hiện vật tại hai nhà trưng bày gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong những năm qua, cán bộ, nhân viên Phòng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bằng kinh nghiệm, khoa học, nghiên cứu, tìm hiểu để có phương pháp bảo quản tốt nhất.

Bà Bùi Bích Đảm, Trưởng Phòng Tuyên truyền giáo dục, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết: “Hai nhà trưng bày sẽ phát huy tốt nhất về giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó lan tỏa tình cảm tốt đẹp của Người dành cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Bởi vậy, hàng năm, chúng tôi liên tục sưu tầm hàng trăm tài liệu, hiện vật để bổ sung cho Khu Di tích và hai khu trưng bày. Để công tác bảo quản tốt, chúng tôi luôn phải tìm hiểu các kỹ thuật bảo quản hiện vật để gìn giữ và bảo tồn các hiện vật ở đây không bị ảnh hưởng do tác động bên ngoài”.

Hiện ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên trưng bày khoảng 500 hiện vật gốc liên quan đến cuộc đời của Bác. Trong đó, ngoài một số hiện vật có được nhờ công tác sưu tầm, nhiều hiện vật do các cơ quan, tổ chức và chính người dân trao tặng. Đó là chiếc áo lụa Bác tặng cụ Mạc Văn Tuân ở xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn); bộ quần áo kaki Bác tặng Anh hùng Lao động Nguyễn Trung Thiếp ở Nông trường Đông Hiếu…

Trong lần Bác về thăm quê năm 1961, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã vinh dự được đón Người về thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành. Nhằm lưu lại những kỷ vật, những hình ảnh đáng nhớ trong ngày 10/12/1961, chính quyền, nhân dân huyện Yên Thành nói chung, xã Vĩnh Thành nói riêng đã xây dựng Khu lưu niệm trưng bày những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về Bác và quê hương Yên Thành khi Bác về thăm.

Với chủ đề “Yên Thành – đất nước, con người và truyền thống lịch sử”, Khu lưu niệm được bài trí nhiều phần khác nhau với nhiều chủ đề liên quan đến vùng đất Yên Thành qua nhiều thời kỳ, trong đó phần Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành là một trong những phần quan trọng của Khu lưu niệm.

“Với niềm tự hào và vinh dự khi được Bác Hồ về thăm, Khu lưu niệm là nơi ghi dấu những hình ảnh của Bác, là điểm đến giáo dục cho các bậc con trẻ trong học tập và đạo đức, phát huy tinh thần của các thế hệ cha ông, đưa Yên Thành phát triển giàu mạnh, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa khi đến với huyện Yên Thành”, ông Thái Huy Hoàng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho biết.

Có thể nói, những hiện vật được trưng bày tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành đã trở thành cầu nối, chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, qua đó người dân, du khách muôn phương hiểu hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lưu giữ những kỷ vật về Người cũng là lưu giữ một miền nhớ, miền thương để khi về với “Quê chung”, mỗi người con đất Việt thấy gắn bó, yêu thương hơn với mảnh đất này và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp Người để lại cho thế hệ mai sau.

 Theo BÍCH HUỆ (TTXVN)