Phát huy giá trị Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú

04/04/2024 - 06:10

 - Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) lần thứ XXII năm 2024 vừa khép lại, với chuỗi các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao sôi nổi. Lễ hội không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân mà còn nhắc nhở, giáo dục thế hệ hôm nay khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, tiếp bước tiền nhân, ra sức xây dựng, bảo vệ quê hương.

Các hoạt động văn hóa -  văn nghệ, thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi trong Nhân dân

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú kỷ niệm ngày Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị kháng Pháp hy sinh là hoạt động thường niên được huyện Châu Phú tổ chức từ năm 2003. Vào ngày 19 - 22/2 (âm lịch) hàng năm, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) trở thành điểm đến quen thuộc của hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh. Họ đến để thắp hương tưởng nhớ công lao tiền nhân và hòa cùng niềm vui lễ hội.

Để bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 80-KH/TU, ngày 10/11/2022 về việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện quan trọng của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú đã được đưa vào danh mục lễ hội quy mô cấp tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Châu Phú là địa danh có lịch sử lâu đời, từ các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập, chủ quyền cho đất nước nơi đây đã xuất hiện nhiều vị anh hùng dân tộc. Trong đó, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Quản cơ Trần Văn Thành khởi xướng và chỉ huy chống thực dân Pháp đã thể hiện tinh thần quật khởi, quyết không cam chịu thân phận nô lệ của Nhân dân ta, góp phần tô điểm thêm dấu son chói lọi trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc.

Tiếp nối thành quả của các thế hệ đi trước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Phú đã nỗ lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm liền luôn đạt mức khá. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực, có 8/11 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại, đời sống của Nhân dân ổn định. Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú là dịp để tri ân công lao to lớn của Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị đã hy sinh vì tự do cho dân tộc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Để Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú thật sự ý nghĩa, tạo niềm vui trong Nhân dân, bên cạnh phần lễ chính, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao sôi nổi, như: Giải đấu cờ tướng; Giải võ cổ truyền mở rộng, với 10 câu lạc bộ, gần 100 vận động viên trong và ngoài huyện Châu Phú tham gia tranh tài; giao lưu các câu lạc bộ biểu diễn thể dục dưỡng sinh; tuyên truyền, giới thiệu hơn 500 bản sách bằng hình thức thư viện lưu động đa phương tiện để phục vụ các em thiếu nhi, học sinh; tổ chức 20 gian hàng trưng bày, bán các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiềm năng đặc trưng của huyện Châu Phú và tỉnh An Giang.

Trong khuôn khổ lễ hội, khoảng 700 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện Châu Phú và các xã, thị trấn đã tham gia đi bộ tạo không khí sôi nổi mừng lễ hội. Đặc biệt, còn có hơn 110 hội, câu lạc bộ, nhà vườn, với khoảng 500 nghệ nhân hoa lan của 38 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia hội thi, trưng bày hơn 400 tác phẩm hoa lan. Hội thi nhằm tạo điều kiện cho những người yêu thích hoa phong lan của các vùng, miền cả nước giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về sản xuất - kinh doanh, chăm sóc hoa lan.

Đồng thời, tôn vinh những tác phẩm mới, đẹp do bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân thực hiện. Thông qua hoạt động, các nghệ nhân đã tham gia chương trình đấu giá hoa lan, để quyên góp ủng hộ Quỹ Khuyến học và Quỹ Chăm sóc trẻ em nghèo huyện Châu Phú, nhằm đóng góp thiết thực vào Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú.

“Tự hào về tinh thần yêu nước của các bậc tiền nhân, lãnh đạo tỉnh An Giang và huyện Châu Phú luôn tạo mọi điều kiện để lễ hội văn hóa truyền thống diễn ra trang trọng, thật sự mang đến giá trị tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục lòng yêu nước trong thế hệ hôm nay. Thông qua lễ hội truyền thống hàng năm, lãnh đạo tỉnh kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Châu Phú đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm xây dựng và phát triển quê hương Châu Phú ngày càng giàu đẹp.

Cùng chung tay tôn tạo khu di tích đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành ngày càng khang trang, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

MỸ LINH