Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, Thới Sơn đang trên đường phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để góp phần vào mục tiêu xây dựng huyện Tịnh Biên trở thành thị xã trong tương lai. Do đó, Đảng ủy, UBND xã Thới Sơn đang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó tận dụng tốt thế mạnh du lịch tâm linh gắn liền với những huyền thoại linh thiêng của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Xã Thới Sơn được hình thành từ 2 làng Hưng Thới - Xuân Sơn do Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên cùng tín đồ lập nên. Nơi này có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, như: chùa Phật Thới Sơn, đình Thới Sơn (Trại Rẫy), chùa Phước Điền (Trại Ruộng). Đây là cơ sở để địa phương phát triển các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo tín đồ. Hiện nay, chúng tôi đang cùng ban quản lý các điểm di tích nói trên tiếp tục thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, phát triển những cơ sở thờ tự này để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của du khách trong, ngoài tỉnh”.
Khởi công công trình hồ cá sấu Năm Chèo đình Thới Sơn
Năm 2019, Nhà trưng bày hiện vật liên quan đến Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên được khánh thành và đưa vào sử dụng với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng từ công tác xã hội hóa. Công trình này đã giúp cho tín đồ và du khách hiểu rõ hơn cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cũng như tư tưởng yêu nước, lúc nào cũng vì đời, vì người của Phật thầy Tây An. Hiện nay, ban quản lý 3 di tích gắn liền với tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đang tiếp tục vận động sự đóng góp của tín đồ và người dân để thực hiện các công trình, như: hồ cá sấu Năm Chèo đình Thới Sơn, tượng Trâu Sấm - Trâu Sét chùa Phước Điền (2,6 tỷ đồng), nhà đông lang đình Thới Sơn (1,3 tỷ đồng).
Đặc biệt, công trình hồ cá sấu Năm Chèo đã được khởi công vào cuối tháng 8-2019, với tổng kinh phí xây dựng hơn 8,6 tỷ đồng. Công trình có diện tích 3.129m2, gồm các hạng mục: tượng cá sấu, bờ kè, lan can bờ hồ và các tiểu cảnh. Thông qua công trình này, tín đồ và du khách có thể hình tượng hóa huyền thoại về cá sấu Năm Chèo, vốn đã trở thành biểu tượng linh thiêng của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Phối cảnh hồ cá sấu Năm Chèo đình Thới Sơn
“Việc hình thành các công trình này sẽ góp phần đa đạng hóa hoạt động tín ngưỡng tâm linh của du khách gần xa khi đến với xã Thới Sơn, cũng như tạo điều kiện phát triển hoạt động du lịch tâm linh của địa phương và huyện Tịnh Biên nói chung. Khi hoạt động du lịch phát triển, đời sống người dân sẽ được cải thiện, từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội để Thới Sơn thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”- bà Nguyễn Thị Hiền phân tích.
Ngoài ra, việc xây dựng các công trình này cũng góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất này. Bởi, Thới Sơn không chỉ là nơi lưu dấu tiền nhân thời mở cõi hay vùng đất “thánh địa” của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, mà còn là “địa chỉ đỏ” của cách mạng tỉnh nhà trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, chùa Phật Thới Sơn là di tích lịch sử cách mạng nổi bật của địa phương. Đây là cơ sở cất giấu vũ khí, làm công tác giao liên và nuôi chứa cán bộ trong những năm tháng đạn bom ác liệt nên đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 1999.
Với tinh thần kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của vùng đất anh hùng, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân xã Thới Sơn sẽ tiếp tục phát triển, nâng chất các hoạt động du lịch tâm linh của quê hương mình. Qua đó, tiếp tục vận động sự ủng hộ của xã hội để tôn tạo, trùng tu các điểm di tích đặc biệt trên địa bàn cho đúng với câu: “Tiền nhân tạo dựng nên di tích/Hậu thế chung tay việc bảo tồn”.
THANH TIẾN