Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân

12/11/2020 - 06:26

 - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là để dịp tập hợp, đoàn kết nhân dân ở khu dân cư tạo thành sức mạnh to lớn góp phần xây dựng địa phương, quê hương, đất nước vững mạnh.

Đại đoàn kết là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Bác Hồ nhằm phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân tộc. Trải qua 90 năm ra đời và phát triển, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, từ Hội Phản đế Đồng minh đến MTTQVN ngày nay đã phát huy truyền thống dân tộc, tập hợp, đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp nhân dân thành lực lượng cách mạng to lớn đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Vận động nhân dân tiếp thu, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập; tích cực tham gia các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy dân chủ, tích cực đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, quan tâm, tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Những tuyến đường nông thôn mới xã Tân Lợi (Tịnh Biên) có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân. Ảnh: THANH TIẾN

Đặc biệt, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, đưa nội dung thi đua vào hoạt động thường xuyên của các khu dân cư một cách thiết thực, đồng thời phát huy tính tự quản cao nhất của người dân.

Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát; cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, khiêm tốn, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân và có trách nhiệm với dân để xây dựng nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng cao.

Nhân 90 năm ngày truyền thống MTTQVN (18-11-1930 _ 18-11-2020), MTTQVN và các tổ chức thành viên cùng các cấp, ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm nay, ngày hội diễn ra trong bối cảnh Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa khắc phục hậu quả của bão lũ. Vì vậy, ngày hội chính là dịp để mỗi khu dân cư tiếp tục chia sẻ khó khăn với đất nước, với đồng bào còn nhiều khó khăn. Tại An Giang, từ ngày 1 đến 18-11, tại tất cả các khóm, ấp trong tỉnh tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng, để chuẩn bị cho Ngày hội đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh, từ đầu tháng 10-2020, UBMTTQVN tỉnh đã có văn bản hướng dẫn nội dung tổ chức Ngày hội đại đoàn kết đến các khu dân cư. Cũng như các năm trước, ngoài việc tổ chức phần lễ cùng các hoạt động sinh hoạt văn hóa - văn nghệ… ngày hội còn tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào đoàn kết xây dựng đô thị văn minh… Các hoạt động đảm bảo tính thiết thực, huy động sự tham gia của cả cộng đồng. Trong đó, phần lễ sẽ được tổ chức ngắn gọn, tập trung đổi mới phần hội để tạo khí thế vui tươi; đảm bảo an toàn, tiết kiệm, tránh hình thức. Năm nay, việc tổ chức ngày hội sẽ còn lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ ôn lại lịch sử 90 năm truyền thống của MTTQVN; khái quát lịch sử, truyền thống của cộng đồng dân cư; kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước…

Ghi nhận kết quả của cộng đồng dân cư, biểu dương tập thể, hộ gia đình, cá nhân có nhiều thành tích trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng. Bên cạnh đó, tùy vào tình hình địa phương sẽ tổ chức “bữa cơm đoàn kết”; các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, sinh hoạt cộng đồng…

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân là dịp để mọi người dân trong khu dân phố cùng quây quần, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, cũng là dịp động viên nhân dân phát huy truyền thống văn hóa, cùng nhau xây dựng đô thị văn minh; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương.

THU THẢO