Tiến sĩ NGUYỄN VIẾT CHỨC, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Đoàn kết xây dựng đất nước giàu mạnh
Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của hòa bình, chiến thắng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước đến thống nhất, là cơ sở để xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Hiện nay, nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá cao vì sự ổn định, là “bến đỗ” lâu dài, lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài đến định cư và kinh doanh tại Việt Nam, nhiều Việt kiều đã về nước hòa nhập cùng đại gia đình Việt Nam, chung tay xây dựng đất nước.
Mặc dù trong quá trình phát triển cũng còn những khó khăn, bất cập như tiềm năng to lớn của đất nước chưa được khai thác một cách hiệu quả nhất, tình trạng lãng phí, tiêu cực vẫn chưa bị đẩy lùi hoàn toàn... nhưng với sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Đảng, Nhà nước cùng sự đoàn kết toàn dân, những khó khăn này đã và đang được giải quyết, khai thông thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh... Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, vì vậy cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Phát triển điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: VĂN ĐÔNG
Đồng chí PHẠM VĂN THIỀU, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:
Phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Phát huy tinh thần Chiến thắng 30-4-1975, với sự nỗ lực và ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Bạc Liêu có nhiều thay đổi tích cực. Nổi bật trong giai đoạn 2021-2023 là kinh tế tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, đạt mức khá cao so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng 6,9%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng cho phát triển kinh tế, trong đó mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh được đẩy mạnh, từng bước tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng bình quân 10%/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã khắc phục mọi khó khăn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhờ đó xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt kết quả tích cực, riêng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 1,03 tỷ USD. Các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được quan tâm đầu tư, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 dự án điện gió đưa vào vận hành với tổng công suất 469,2MW (tổng vốn đầu tư 24.125 tỷ đồng). Tỉnh cũng đang tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141MW), dự án Nhà máy điện gió Nhật Bản-Bạc Liêu (50MW) và các dự án nguồn điện, lưới điện khác theo quy hoạch được phê duyệt...
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt và kịp thời. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,71%. Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đại tá DƯƠNG ĐỨC VŨ, Chính ủy Trường Quân sự Quân đoàn 12:
Xây dựng nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại
Thực hiện Quyết định số 6044/QĐ-BQP ngày 22-11-2023 của Bộ trưởng Bộ quốc phòng về việc điều chuyển nguyên trạng Trường Quân sự Quân đoàn 1 và Trường Quân sự Quân đoàn 2 về Quân đoàn 12 và tổ chức lại thành Trường Quân sự Quân đoàn 12; nhận thức rõ mục tiêu, yêu cầu của một trung tâm huấn luyện, giáo dục-đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật cho Quân đoàn và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện các mặt công tác. Việc xây dựng nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, nhà trường đã ra nghị quyết chuyên đề, ban hành chỉ thị, kế hoạch, cụ thể hóa các tiêu chí sát với chức năng, nhiệm vụ, làm cơ sở để các phòng, ban, khoa, đơn vị triển khai thực hiện.
Với những nỗ lực trong đào tạo và huấn luyện, năm 2023, 100% cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ của nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Kiểm tra nhận thức chính trị có 80% đạt khá, 20% đạt giỏi. Trong huấn luyện chiến sĩ mới, kiểm tra nội dung bắn súng AK bài 1, đơn vị đạt khá; kiểm tra ném lựu đạn, thuốc nổ bài 1, đơn vị đạt giỏi. Huấn luyện sĩ quan dự bị đạt 85% khá, giỏi trở lên; 75% đầu mối đại đội, tiểu đoàn đạt tiêu chuẩn huấn luyện giỏi. Đối với giáo viên, 100% huấn luyện theo chuyên ngành đạt khá, giỏi... Những kết quả trên là cơ sở, động lực quan trọng để cán bộ, học viên, chiến sĩ nhà trường tiếp tục phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là nhà trường trong Quân đoàn chủ lực “tinh, gọn, mạnh”.
Đồng chí VŨ VĂN HƯNG, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk:
Nỗ lực mang lại cuộc sống ấm no cho người dân
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột có dân số hơn 435.000 người, thuộc 40 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 14%. Sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3-1975), Đảng bộ, chính quyền, quân và dân nơi đây đã bắt tay vào công cuộc tái thiết và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ một thị xã miền núi hoang sơ, kinh tế nghèo nàn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, Buôn Ma Thuột đã không ngừng vươn lên để xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp.
Những năm qua, TP Buôn Ma Thuột được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy tăng trưởng trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, cà phê, sầu riêng, nông nghiệp sạch, sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), năng lượng... Nhờ vậy, kinh tế của thành phố đã có những bứt phá, góp phần vào sự phát triển của cả tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Cụ thể, năm 2023, Buôn Ma Thuột đạt tổng thu ngân sách 6.614 tỷ đồng; huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hơn 65.000 tỷ đồng. Số hộ nghèo giảm còn 229 hộ (chiếm 0,2%); hộ cận nghèo còn 603 hộ (chiếm 0,55%). Toàn thành phố có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao; TP Buôn Ma Thuột được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 theo Quyết định số 770/QĐ-TTg, ngày 24-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc, từ chỗ nhiều người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đến nay đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; nhiều buôn làng đã vươn lên khá giả, giàu có, trở thành những buôn văn hóa, buôn du lịch điển hình của Tây Nguyên.
Thời gian tới, TP Buôn Ma Thuột tiếp tục khai thác có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội ban hành để xây dựng, phát triển trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Theo Báo Điện Tử Quân Đội Nhân Dân