Phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng quê hương

22/07/2024 - 06:55

 - Nhằm xây dựng quê hương ngày càng phát triển, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) sẽ tích cực phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, chăm lo đời sống kinh tế, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần vào thành tựu chung của huyện anh hùng trong giai đoạn 2024 - 2029.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết: “Là huyện biên giới với hơn 45.000 đồng bào DTTS sinh sống, Tri Tôn quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Huyện ủy, UBND huyện ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), ổn định sản xuất và chăm lo đời sống của đồng bào DTTS tại các xã đặc biệt khó khăn”.

Theo ông Cao Quang Liêm, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm gần 40% theo chuẩn nghèo đa chiều; huyện có 6 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã dân tộc; toàn huyện có 15/15 xã, thị trấn có đường giao thông được cứng hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,77%; tỷ lệ dân số nông thôn và thành thị được cung cấp nước sạch đạt 98,11%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,26%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 49,12%; thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm…

Đây là thành quả đến từ sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị địa phương và Nhân dân, với đóng góp không nhỏ của cộng đồng các DTTS trên toàn huyện.

Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn tích cực phát huy khối đại đoàn kết dân tộc

Góp phần vào thành quả chung của huyện, UBND xã Núi Tô đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con Khmer tham gia xây dựng NTM tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Núi Tô Chau Kim Son thông tin: “Được UBND huyện chọn thực hiện xây dựng NTM đối với xã đặc biệt khó khăn, lộ trình hoàn thành vào năm 2025, chúng tôi đã huy động hệ thống chính trị địa phương và Nhân dân cùng tham gia. Theo đó, tích cực vận động đồng bào Khmer tham gia tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy dân chủ cơ sở và tích cực xây dựng NTM”.

Ông Chau Kim Son cho hay, đồng bào DTTS Khmer tại địa phương đã đóng góp kinh phí trên 2 tỷ đồng, hiến đất xây dựng đường nông thôn với chiều dài trên 10km; tham gia trên 1.200 ngày công lao động để sửa chữa, xây mới, bê-tông hóa lộ giao thông nông thôn tại các phum, sóc, tuyến đường nội đồng; tổ chức nạo vét trên 20km mương thoát nước, thu gom rác thải, khai thông cống rãnh; trồng trên 30.000 cây xanh tạo bóng mát, bảo vệ ta-luy đường....

“Chúng tôi còn vận động đồng bào Khmer đóng góp kinh phí thực hiện các mô hình “Đèn thắp sáng phum, sóc”, “Camera an ninh” trên các tuyến đường, xây dựng nhà Nhân ái, nhà Tình thương… với kinh phí 1,3 tỷ đồng. Qua quá trình nỗ lực, đến cuối năm 2023, xã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,57%; thu nhập bình quân hơn 51,6 triệu đồng/người/năm…” - ông Chau Kim Son phấn khởi.

Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần và bảo tồn các giá trị truyền thống của đồng bào DTTS tại địa phương. Những sự kiện văn hóa, thể thao của đồng bào Khmer tiếp tục là điểm nhấn, quảng bá hình ảnh quê hương Tri Tôn là vùng đất gần gũi, thân thiện với người dân, du khách trong cả nước, như: Lễ hội đua bò Bảy Núi; các ngày lễ Tết truyền thống của đồng bào Khmer; biểu diễn dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu; biểu diễn đua xe mô tô địa hình; văn hóa ẩm thực…

Là người có uy tín trong cộng đồng Khmer tại xã Ô Lâm, ông Chau Sóc Sa chia sẻ: “Ô Lâm là xã có đông bà con Khmer sinh sống và luôn được lãnh đạo huyện, chính quyền địa phương quan tâm. Nhiều công trình, phần việc xây dựng NTM đã giúp cho đời sống đồng bào Khmer khởi sắc hơn. Hàng năm, tôi thường xuyên được Đảng, Nhà nước, địa phương thăm hỏi, tặng quà động viên vào các dịp lễ, Tết truyền thống, tạo động lực để bản thân tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương Ô Lâm ngày càng khởi sắc”.

Điều làm ông Chau Sóc Sa vui nhất chính là ngành chuyên môn, UBND xã Ô Lâm đã hỗ trợ khôi phục các nghề truyền thống, như: Sản xuất đường thốt nốt, làm cốm dẹp, mở lớp dạy đàn chà-pây, dạy gói bánh kà-tum… để khuyến khích đồng bào Khmer làm du lịch, tạo tiền đề phát triển dịch vụ, nâng cao thu nhập cho bà con.

Với những kết quả đạt được trong việc phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS địa phương. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, kết hợp lễ hội vào các sự kiện tạo điểm nhấn để phát triển du lịch, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS tại địa phương.

“Chúng ta, những người hôm nay, sẽ không thể quên nữ liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Néang Nghés (dân tộc Khmer) và liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Thái Quốc Hùng (dân tộc Hoa) đã ngã xuống vì mảnh đất anh hùng này. Kế thừa truyền thống đó, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường với phương châm “Bình đẳng - đoàn kết - sáng tạo - phát triển”, cùng xây dựng, phát triển hình ảnh Tri Tôn “Thân thiện, nghĩa tình, mến khách” với người dân, du khách trong, ngoài nước” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm khẳng định.

THANH TIẾN