Ảnh minh họa.
Hiện nay, diện tích chè cả nước là hơn 120 nghìn ha, kim ngạch xuất khẩu chè 5 tháng năm 2023 đạt 65 triệu USD. Theo thống kê, diện tích chè kinh doanh thời gian qua luôn ổn định với 110 nghìn ha, năng suất tăng mạnh từ 7,47 tấn/ha lên 9,75 tấn/ha. Trong hoạt động chế biến một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho nên giá trị từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách từ cấp Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè; các sản phẩm làm từ cây chè đang ngày càng đa dạng và phong phú, bảo đảm sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tại các vùng chè chủ lực đã tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, bước đầu đã có những tín hiệu rất tích cực như: Vùng chè đặc sản Tân Cương, Shan tuyết tỉnh Hà Giang, Shan tuyết Suối Giàng, đảo chè Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) và các đồi chè Tâm Châu tỉnh Lâm Đồng, Long Cốc (Phú Thọ), Mộc Châu (Sơn La), Linh Dương (Lào Cai), Tân Trào (Tuyên Quang), Hương Sơn (Hà Tĩnh)...
Việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tại các vùng chè chủ lực đã tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, bước đầu đã có những tín hiệu rất tích cực.
Trong tổ chức và liên kết sản xuất, Việt Nam xây dựng hai chuỗi giá trị sản phẩm chè chủ yếu là chuỗi giá trị sản phẩm chè đen (chủ yếu cho xuất khẩu) và chuỗi giá trị sản phẩm chè xanh (phục vụ trong nước và xuất khẩu).
Trên thực tế, việc sản xuất chè ở Việt Nam còn nhiều khó khăn như:
Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cũng như sản xuất theo hướng hữu cơ đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn đạt tỷ lệ còn thấp; quản lý chất lượng giống và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây chè ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chế tài xử lý còn nhiều khó khăn; sản xuất chè theo nông hộ chiếm gần 65% về diện tích, quy mô khoảng 0,2 ha/hộ; tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều cấp làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư.
Ngoài ra, cả nước có khoảng 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế là 5,2 nghìn tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220 nghìn lao động sản xuất ra gần 200 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, số nhà máy được trang bị đồng bộ, máy móc thiết bị tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ chiếm 20%; số nhà máy trung bình là 60%; số cơ sở chế biến chắp vá, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của quá trình chế biến chè là 20%...
Với mục tiêu phát triển ngành chè bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đa dạng có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh.
Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt từ 135 đến 140 nghìn ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%.
Để làm được điều đó, các bộ, ngành, địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng sản xuất chè; xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại vùng chè; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển vùng chè chủ lực gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái;
Đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích nhân dân sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ nhân dân liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…
Theo Nhân Dân