Phát huy vị thế An Giang

10/05/2023 - 05:59

 - Ngày 24/9/2020, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (nay là Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) tin tưởng: “Với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và đổi mới, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang sẽ đạt được những bước tiến mới mạnh mẽ, xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, góp phần quan trọng và tích cực vào sự phát triển chung của cả nước”.

Vai trò quan trọng

An Giang được Thủ tướng Chính phủ xác định là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL (cùng với TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Cà Mau), có vị trí chiến lược và vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), giữ vững quốc phòng - an ninh của cả nước. Diện tích tự nhiên 2 triệu ha, dân số chiếm khoảng 1/2 dân số của vùng ĐBSCL, 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm kỳ vọng là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.
 

Vùng kinh tế trọng điểm còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL. Trong đó, TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) và TP. Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng.

Theo đánh giá của đồng chí Võ Văn Thưởng, dù còn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan, nhưng Đảng bộ tỉnh An Giang đã năng động, sáng tạo đề ra giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai, huy động nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng KTXH. Nhờ đó, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; quy mô kinh tế đứng thứ 5/13 tỉnh ĐBSCL; GRDP giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5,25%/năm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn thấp hơn mức bình quân của cả nước…

Quy hoạch đồng bộ

Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Quy hoạch này phù hợp với Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022); Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 Chính phủ về ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW.

Quy hoạch đồng bộ từ Trung ương đến địa phương là cơ sở quan trọng để An Giang hoạch định chiến lược, phương hướng phát triển phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để bứt phá vươn lên, xứng đáng là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, việc tỉnh chủ động lập, trình phê duyệt và ban hành Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đáp ứng đòi hỏi phát triển và chỉ đạo của Chính phủ khi yêu cầu các tỉnh lập quy hoạch phù hợp với Quy hoạch vùng ĐBSCL, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, tạo cơ sở để chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua phát triển chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị.

Trong quy hoạch, TP. Long Xuyên cùng thành phố trung tâm của một số tỉnh trong vùng (Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng) được xây dựng trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành; từng bước hình thành đô thị nông - công nghiệp gắn với trung tâm đầu mối và du lịch nông nghiệp - nông thôn.

Thời cơ mới, vận hội mới

Vùng ĐBSCL sẽ hình thành trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP. Cần Thơ, gắn với phát triển dịch vụ logistics ở tỉnh Hậu Giang; trung tâm đầu mối ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt; trung tâm đầu mối ở tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển; trung tâm đầu mối ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.

Khu kinh tế cửa khẩu An Giang và Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp sẽ được Chính phủ tập trung đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi để phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, gồm: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm, ngư nghiệp, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong…

Dù giữ vị trí, vai trò quan trọng ở vùng ĐBSCL nhưng An Giang lại bị cản trở phát triển bởi hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ. Thời gian tới, “điểm nghẽn” này sẽ được tháo gỡ. Trong quy hoạch ĐBSCL đến năm 2030, hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP. Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh; nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu, cầu; đầu tư hệ thống đường ven biển; phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, khu công nghiệp. Đây sẽ là động lực phát triển mới cho An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước. Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, mục tiêu này thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ mang khát vọng về một An Giang phát triển giàu mạnh trong tương lai. Với bề dày lịch sử cách mạng, truyền thống sáng tạo, đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang sẽ thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

NGÔ CHUẨN