Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng) được biết đến là vùng chuyên canh rau màu an toàn, sớm khẳng định thương hiệu.
Sản phẩm rau sạch của địa phương được trồng, chăm sóc theo quy trình, an toàn vệ sinh thực phẩm, được một số cửa hàng nông sản, siêu thị và các điểm bán rau an toàn tại các chợ trên địa bàn TP. Long Xuyên ký hợp đồng thu mua.
Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu cho biết: dù giá cả còn bấp bênh, đầu ra không ổn định nhưng không thể phủ nhận SX rau màu tác động tích cực đến đời sống người dân.
Nhiều ND mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT), công nghệ cao để SX rau sạch, chuyển đổi đầu tư trồng rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nông dân thu hoạch rau màu
Hiện, toàn xã có hơn 160ha chuyên canh rau màu các loại. Trong đó, có 20ha SX rau an toàn ở ấp Mỹ An 2 (15ha) và ấp Mỹ Hiệp (5ha).
Ngoài diện tích chính là những vùng chuyên canh rau màu, các gia đình tận dụng đất đai trong vườn trồng các loại rau ngắn ngày. Các loại rau màu được bà con ND trồng chủ yếu như: rau thơm, bắp cải, cà chua, dưa leo, bí đao…
Hiện nay, mỗi ngày, toàn xã cung cấp cho thị trường trên 6 tấn rau, dưa các loại. Trong đó, cung cấp cho các điểm bán rau an toàn tại các chợ Long Xuyên, Mỹ Bình, cửa hàng nông sản Phan Nam và siêu thị Co.opmart Long Xuyên từ 500-700kg mỗi ngày, với 17 loại rau, củ, quả được cấp giấy chứng nhận.
Việc ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào SX, trồng rau màu được ND tích cực hưởng ứng, bởi mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng Huỳnh Ngọc Diện cho biết: trồng rau an toàn không khó, chỉ cần áp dụng đúng quy trình KT được hướng dẫn. Đặc biệt, chú trọng sử dụng phân hữu cơ thay cho phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật...
Nếu tuân thủ đúng quy trình, ND tiết kiệm được chi phí SX, năng suất cao, mẫu mã đẹp và chất lượng an toàn nên bán được giá hơn so với các loại rau bình thường khác. Ngoài ra, một số hộ trồng rau còn đầu tư hệ thống phun công nghiệp, tiết kiệm được chi phí thuê nhân công tưới tiêu.
Anh Huỳnh Ngọc Diện chia sẻ: “Nhờ trồng rau mà cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước rất nhiều. Nếu như giá rau, dưa ổn định như hiện nay, gia đình tôi có thể thu lợi nhuận cả 100 triệu đồng/năm từ việc trồng rau sạch”.
Ngoài xây dựng vùng chuyên canh rau màu, xã Mỹ Hòa Hưng còn tuyên truyền, vận động ND chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, làm vườn sinh thái phục vụ du lịch.
Những năm gần đây, kinh tế hộ phát triển là nhờ bà con ND liên tục luân canh, xen canh tăng vụ. ông Nguyễn Thanh Phong (ấp Mỹ Long 2) đã mạnh dạn chuyển dịch “2 lúa, 1 màu”, với 2,5ha. Nhận thấy trồng mè mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông trồng 2 vụ lúa xen canh 1 vụ mè.
Theo ông Phong, trồng mè chi phí thấp, năng suất từ 900kg - 1 tấn/ha, bán được giá cao nên ND rất phấn khởi, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 30 triệu đồng/ha.
Ông Phan Văn Nghé (ấp Mỹ An 1) mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất trồng lúa sang trồng xoài Cát Chu. Ông là 1 trong 18 ND tham gia dự án thí điểm trồng xoài Cát Chu, với diện tích 10ha.
Các hộ dân tham gia dự án sẽ được Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (Tiền Giang) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
“Đất ở đây trồng lúa không trúng như chỗ khác, giá cả bấp bênh nên tôi rất kỳ vọng vào dự án này. Hiện nay, tôi đã cải tạo xong đất để chuẩn bị xuống giống xoài, với sự hỗ trợ của các kỹ sư của công ty Thuận Phong”.
Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu cho biết: thời gian tới, xã phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo, giúp ND nâng cao KT canh tác, ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX.
Đồng thời, khuyến khích ND đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong SX nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, từng bước củng cố, nâng chất các tổ hợp tác SX, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn nhằm tăng thêm giá trị thu nhập, góp phần cải thiện đời sống ND.
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU