An Phú là một trong những địa phương có thế mạnh SXNN của tỉnh An Giang. Đến nay, An Phú đã triển khai khá thành công nhiều mô hình SXNN hướng đến an toàn, bảo vệ môi trường, cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng. Huyện đã có nhiều chuyển biến tốt trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SX nông nghiệp theo hướng CNC, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và đảm bảo chất lượng nông sản. Toàn huyện có 1.089ha trồng lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với Tập đoàn Lộc Trời 735ha trồng lúa chất lượng cao…
Đồng thời, có 4 nhà màng và 3 nhà lưới giá rẻ, với tổng diện tích hơn 7.000m2, trong đó 3 nhà lưới giá rẻ trồng rau ăn các loại và ớt, 4 nhà màng trồng dưa lưới, ớt và ươm giống… mang lại thu nhập khá cho nông dân. Trong đó phát triển rau an toàn hướng đến chuyên canh, ứng dụng khoa học - công nghệ vào SX, đồng thời đẩy mạnh liên kết SX gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm rau an toàn cung cấp cho thị trường… là một trong những mục tiêu hướng đến của địa phương.
Ươm cây giống trong nhà màng ở huyện An Phú.
Hiện, An Phú đang nâng cấp mở rộng hệ thống thủy lợi nội đồng vùng rau màu ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng) nhằm xây dựng vùng SX rau màu với diện tích 60 ha áp dụng CNC, như: sử dụng hệ thống tưới tự động phun sương, tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân và thuốc an toàn sinh học.
Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Minh Thuận cho biết: huyện chọn lòng hồ Phước Hưng (có tổng diện tích khoảng 100 ha) để triển khai vùng SX rau màu sạch. Qua làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện đề xuất quy hoạch vùng SX rau màu 60 ha. Hiện trạng vùng này có 80% diện tích trồng rau màu, 20% trồng lúa.
Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi vùng này chưa hoàn chỉnh, người dân phải sử dụng nước giếng khoan để tưới. Qua khảo sát của huyện và các ngành tỉnh đã đề xuất và UBND tỉnh thống nhất cho triển khai quy hoạch vùng này để trồng rau màu (chuyển từ vùng SX rau màu xã Khánh An về đây).
Huyện đã thuê tư vấn xây dựng hoàn chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật, xin ý kiến các ngành liên quan đóng góp hoàn chỉnh; đang trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ vốn triển khai các hạng mục. Tổng mức đầu tư dự án hơn 9 tỷ đồng, UBND tỉnh đã tạm bố trí 1 tỷ đồng để triển khai các hạng mục ban đầu của dự án.
Trồng ớt trong nhà lưới ở xã Phú Hữu (An Phú) cho năng suất rất cao.
Việc xây dựng các vùng chuyên canh SX rau màu tập trung ƯDCNC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản trên cùng một đơn vị diện tích. Huyện An Phú đã và đang phát triển diện tích ƯDCNC trong SXNN theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy.
Trong đó chú trọng ứng dụng các công nghệ tiên tiến (SX trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động…) vào các mô hình trồng rau màu trong nhà lưới đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như: VietGAP, rau an toàn… có liên kết tiêu thụ nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững.
Hiệu quả mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở An Phú.
Qua tham khảo ý kiến, người dân rất đồng thuận đối với dự án này. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai SX ở vùng này rất phù hợp với điều kiện phục vụ nước mặt để tưới mà không còn sử dụng nước giếng như trước.
Huyện đã đề xuất trước mắt sẽ quy hoạch hoàn chỉnh tiểu vùng 20 ha để áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương phục vụ SX, còn lại 40ha SX được sử dụng nước mặt để tưới (do hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi), không dùng nước giếng như trước. Sau khi thí điểm hiệu quả 20ha sẽ nhân rộng ra 40ha còn lại để tưới theo CNC (phun sương, nhỏ giọt)…
Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần xây dựng được mô hình SXNN bằng CNC vượt trội, tạo ra nhiều nông sản sạch cung ứng thị trường, góp phần ổn định SX, nâng cao thu nhập của người dân.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH