Phát triển công nghệ sinh học

28/07/2023 - 04:17

 - Gần 30 năm trước, “phát triển công nghệ sinh học” được nhắc lần đầu tiên tại Nghị quyết 18/NQ-CP, ngày 11/3/1994 của Chính phủ. Sau 10 năm, vai trò của công nghệ sinh học đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, y tế, môi trường… đã rõ nét. Từ đó, nhiều chỉ thị, quyết định, kết luận, nghị quyết được Trung ương ban hành, mong muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực này.

“Cú hích công nghệ”

Một lần nữa, phát triển công nghệ sinh học được nhấn mạnh bằng Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp sản phẩm cơ bản, thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường sống, phục vụ phát triển công nghiệp sinh học”.

Hiện nay, công nghệ sinh học thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, cả nước chủ động sản xuất trên 70% giống cây trồng, vật nuôi (trước đây, tỷ lệ nhập khẩu giống trên 70%).

Trong lĩnh vực y dược, nhiều công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được ứng dụng, hạn chế sự tham gia, tiếp xúc của con người trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm; sản xuất được kháng thể điều trị một số bệnh ung thư, bệnh tự miễn. Gần đây nhất là xây dựng quy trình công nghệ, sản xuất vaccine phòng COVID-19 (có thể đạt quy mô 10 triệu liều/năm).

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đã tạo ra hơn 200 công nghệ; gần 100 sản phẩm đang được sản xuất - kinh doanh tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nhờ áp dụng công nghệ gen, mà việc giám định hài cốt liệt sĩ được thuận lợi hơn, khi hàng ngàn liệt sĩ được “trả lại tên”.

Sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao tại TX. Tân Châu

Tại An Giang, Trung tâm Công nghệ Sinh học An Giang (ABC) được thành lập năm 2012, có chức năng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm và thực hiện các dịch vụ sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; đề xuất cơ chế thu hút ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp sinh học, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2022, trung tâm triển khai 7 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt (2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 3 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, 2 dự án sản xuất thử nghiệm chuyển tiếp và phát sinh mới), như: Nghiên cứu phát triển các chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh từ hoa thốt nốt; xây dựng mô hình thử nghiệm trồng cam xoàn theo hướng VietGAP điều khiển từ smartphone (điện thoại thông minh) tại huyện An Phú; thử nghiệm mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá trèn bầu; xây dựng mô hình trồng táo an toàn trong nhà lưới phù hợp với điều kiện kinh tế huyện Châu Thành; nghiên cứu quy trình sản xuất tinh dầu từ rau củ…

Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Tuy nhiên, trình độ công nghệ sinh học ở nước ta vẫn chưa đạt mức tiên tiến trong khu vực; chưa trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật công nghiệp cao, chưa tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực, chưa đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Nhiều mô hình ứng dụng mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chậm nhân rộng trong sản xuất và đời sống. Chính vì thế, Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới) ra đời ngày 30/1/2023.

Mục tiêu tổng quát được đề ra là tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước (10 - 15% theo tầm nhìn đến năm 2045).

Nghị quyết 36-NQ/TW đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học; tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Cùng với đó, xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.

Đặc biệt, trong hệ thống nhiệm vụ, giải pháp, điều quan trọng đầu tiên được xác định là thống nhất nhận thức về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền để lĩnh vực này trở thành nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Thịnh, đơn vị đã hướng dẫn cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả; chú trọng trao đổi, thảo luận, nghiên cứu nội dung nghị quyết.

Căn cứ vào điều kiện từng địa phương, cơ quan đơn vị, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết bằng hình thức phù hợp. Cơ quan thông tin đại chúng, ban tuyên giáo, tuyên huấn cấp huyện phối hợp tuyên truyền, quán triệt, phổ biến nghị quyết ở địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng những nội dung cơ bản, điểm đột phá để thực hiện quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể nghị quyết đề ra.

Công nghệ sinh học bao gồm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ có sử dụng hệ thống sống, cơ thể sống, quá trình sinh học hoặc các dẫn xuất từ chúng để sản xuất (nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp y dược, thực phẩm; phát triển và quản lý hệ sinh thái, môi trường bền vững), hoặc chế biến, biến đổi thành vật liệu, năng lượng và sản phẩm có giá trị gia tăng khác nhau.

AN KHANG